Ông Hồ Văn Thành cho biết: Năm nay, chúng tôi tuyển sinh 25 ngành, 10 ngành học thuộc lĩnh vực sư phạm và 15 ngành thuộc ngoại ngữ, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, xã hội nhân văn, nghệ thuật, thời trang… với 1.080 chỉ tiêu, trong đó gồm 250 chỉ tiêu sư phạm và 830 chỉ tiêu ngoài sư phạm. Trường xét tuyển theo hai phương thức, một là xét tuyển từ kết quả của thí sinh dự thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia của cụm thi do các đại học chủ trì. Hai là xét tuyển từ điểm trung bình học tập lớp 12 ở bậc trung học phổ thông theo hình thức chính quy, hoặc thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề; dành 60% chỉ tiêu cho phương thức 1 và 40% cho phương thức 2.

Tiến độ tuyển sinh hiện như thế nào, thưa ông?

Công tác tuyển sinh được trường khởi động sớm, từ tháng 2/2016 với Đề án tuyển sinh 2016 và chiến dịch truyền thông và tư vấn. Không chỉ ở Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận mà chúng tôi đẩy mạnh tuyển sinh ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ… Đến thời điểm này, số học sinh đăng ký trên 1200, chúng tôi đã gửi thông báo nhập học cho 1.185 em, hiện mới chỉ có hơn 50% nộp hồ sơ. Theo kế hoạch, sắp tới chúng tôi sẽ gọi đợt 2, thậm chí đợt 3 theo nhiều hình thức như xét điểm học bạ, lấy theo điểm thi… Công tác tuyển sinh sẽ kết thúc vào cuối tháng 10/2016.

Tư vấn tuyển sinh cho thí sinh tại bàn tuyển sinh trực tiếp của Trường CĐSP Thừa Thiên Huế

Đều đáng lo là có nhiều ngành tiếp tục không tuyển được sinh viên như sư phạm nhạc, hoạ, mỹ thuật, giáo dục thể chất…, hoặc như thiết kế thời trang, hai năm liền không tuyển được, năm gần nhất cũng chỉ hơn 10 em, duy trì đến nay (năm 3) còn 8 em theo học.

Thưa ông, nhà trường có hướng mở gì để giải quyết nhân lực khi không tuyển sinh đủ?

Chúng tôi đã có chiến lược phát triển, trong đó có định hướng tìm đối tác để đào tạo theo địa chỉ các ngành ngoài sư phạm và sư phạm mầm non. Ví dụ, chúng tôi vừa làm việc và có biên bản ghi nhớ với một số đơn vị. Trước mắt, sẽ tổ chức đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu thời gian 1 năm cho Công ty cổ phần Dệt may Huế, Công ty Scavi… đây là động thái để bảo đảm nguồn đào tạo trước mắt. Chúng tôi từng đi đầu trong sự chuyển hóa đa ngành, đa lĩnh vực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngoài sư phạm. Muốn vậy, chúng tôi sẽ đi sâu vào nhu cầu thực tế của xã hội. Ví dụ như đào tạo thiết kế thời trang không phải là cái gì cao siêu, hay tạo ra siêu mẫu. Thiết kế thời trang mà chúng tôi đào tạo sẽ dành cho những học sinh muốn có một nhà may uy tín, các em được dạy từ cắt may đơn giản đến tư duy để thực hiện những mong muốn của khách hàng… Trường sẽ đào tạo ra những người lao động có nghề và nghề giỏi.

Hương Giang (thực hiện)