Thoát ly khỏi ảnh hưởng hội họa Trung Hoa
Bộ sưu tập cổ vật Nhật Bản gồm 70 món gốm sứ đồ màu, men xanh trắng và 20 món đồ đồng mỹ nghệ từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20, trong đó có một số món thời Minh Trị Thiên Hoàng (thế kỷ 19), đều là những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện tính khéo léo và giàu sáng tạo của người Nhật Bản xưa. Bộ sưu tập này được NNC Trần Đình Sơn sưu tầm trong khoảng 50 năm; trong đó, có một số món do tổ tiên của ông để lại.
Chiếc dĩa trang trí được cẩn vàng, bạc
Những món đồ gia dụng bằng gốm men nhiều màu, sứ men xanh trắng, như: thố, bộ tách trà, ấm, bình hoa, lọ đựng nước, lọ đựng trà, dĩa, chóe đựng rượu… thuộc các dòng gốm sứ: Hizen, Amari, Ashita, Yamakoshi, DaNan (Đại Nam)... Đặc trưng của các dòng gốm này là màu sắc họa tiết nổi bật, nét hoa văn trang trí rồng, mây, hoa lá đắp nổi hoặc in hình thiếu nữ Nhật Bản trong trang phục truyền thống. Ấn tượng nhất vẫn là những hình ảnh trang trí theo điển tích Phật giáo, như: Tượng La Hán, tượng Bồ Đề Đạt Ma... Trong bộ sưu tập còn có bộ tách trà được mạ vàng xung quanh với những điển tích khắc nổi, hình ảnh phong phú và giàu thẩm mỹ. Đây là một tặng phẩm dưới thời Khải Định của Nhật Bản.
Trong trào lưu chung, đồ sứ Trung Hoa và đồ gốm Việt Nam cao cấp ngày càng khan hiếm, nhiều nhà sưu tập bắt đầu quay sang “chơi” đồ Nhật. Do đồ sứ Nhật ở chính quốc có giá rất đắt và rất khó đưa ra nước ngoài nên nhiều nhà sưu tập Việt Nam phải “lặn lội” sang châu Âu, tìm đến các cửa hàng đồ cổ, hoặc tham dự các cuộc đấu giá cổ vật ở Paris, London, Berlin… để “tầm” cho được những món đồ Nhật ưng ý.
Sự đối sánh thú vị
NNC Trần Đình Sơn chia sẻ, ông mua đồ cổ không chỉ để chơi và trang trí, mà bắt đầu bằng sự say mê nghiên cứu. Ông muốn nghiên cứu vì sao từ một nước xuất khẩu đồ gốm nổi tiếng vào thế kỷ 16, 17, mà sau này gốm Việt lại thua sút trong khu vực, từ đó ông tìm mua gốm Nhật – nơi đã từng nhập gốm Việt về dùng - để so sánh.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn giới thiệu bộ sưu tập cổ vật Nhật Bản
Đọc tư liệu, ông biết thêm giữa Việt Nam với Nhật Bản có quá trình giao lưu văn hóa, giao thương rất sớm thông qua thương cảng Hội An. Vào thế kỷ 16, 17, thương thuyền Nhật đã qua Việt Nam mua đồ gốm về bán. Qua thế kỷ 18 đến 20, Việt Nam phải nhập gốm sứ của Trung Quốc và Nhật Bản. Thông qua sự giao thương này, thương nhân người Nhật đã mang sang Việt Nam đồ gốm sứ, mỹ nghệ làm quà tặng dâng cho vua chúa Việt Nam. Thêm vào đó, người Nhật cũng chở một số hàng hóa gốm sứ, chất lượng tuy không cao bằng đồ dâng tặng nhưng cũng là loại tốt, đẹp để bán cho quan lại, nhà giàu ở Việt Nam. Không nhiều như hàng hóa của Trung Quốc nhưng vào thời đó đã có một số lượng khá lớn đồ gốm sứ, đồ đồng của Nhật Bản ở Việt Nam. Một số người dân ở Huế trong dòng dõi vua chúa, giàu có cũng từng mua đồ gốm sứ, đồ đồng, mỹ nghệ của Nhật Bản để thờ cúng, sử dụng.
Tìm mua gốm sứ Nhật Bản từ khắp trong Nam, ngoài Bắc để so sánh, đối chiếu nét tương đồng và riêng biệt với gốm Việt Nam trong cùng một giai đoạn từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, NNC Trần Đình Sơn cho rằng: “Giữa Nhật Bản và Việt Nam có những điểm tương đồng, nhưng qua sự tiếp biến văn hóa, ngoài những biểu tượng chung, mỗi nước đều có nét riêng. Ví dụ, hình con rồng của văn hóa Nhật Bản là rồng 3 móng dùng chung cho tất cả các tầng lớp, khác với hình con rồng của Việt Nam thể hiện sự phân cấp tầng lớp (rồng 5 móng chỉ dành cho vua dùng). Nhật Bản có những loại gốm men rạn màu xanh chàm, gần với đồ gốm Bát Tràng của Việt Nam. Men màu, chất liệu của đồ gốm Nhật Bản so với đồ gốm Việt Nam thời điểm đó không hơn gì nhau nhưng cả hai đều thua nguyên liệu của đồ gốm sứ Trung Quốc. Vì lẽ đó, người Nhật thích gốm Việt Nam hơn gốm Trung Quốc vì thấy gần gũi với mình với những cái men rạn, men chàm mờ mờ, họ không thích sự bóng bẩy, rực rỡ như sứ Trung Quốc”, NNC Trần Đình Sơn chia sẻ.
"Trên đồ thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản, những nghệ nhân nổi tiếng luôn khắc tên mình trên sản phẩm. Những sản phẩm này rất đắt giá. Đây là văn hóa của người Nhật thể hiện sự tôn trọng với nghệ nhân, tôn trọng bản quyền" NNC Trần Đình Sơn |
Bài, ảnh: MINH HIỀN