Thế là đã có thể thấy mình ăn ý với phố và người chốn đô thành – nơi mà ai cũng có thể là tất cả và chẳng ai cần để ý đến ai. Ấy là lúc ta có thể bước đi với một ly cafe đầy đá to oạch trên tay, có thể là với một chút hoa quả gì đấy trong bao nhựa hay đơn giản chỉ là một chai nước suối thò ra từ miệng túi...

Cảm giác Sài Gòn trong một ngày cực kỳ thả lỏng, không việc vàn, gặp gỡ... với tôi quả là cực kỳ thoải mái. Đang trong kỳ nghỉ lễ, nên các ngả phố có vẻ thảnh thơi hơn. Không bề bộn đường nét đô thị với những tòa nhà cao thấp, ngay ngắn hay xô lệch, sang trọng hay nhếch nhác, những con đường hình bàn cờ ở quận 1 khá dễ chịu dưới những hàng cây dầu to và cao. Và cho dù là không gian ở đây được tận dụng đến từng cm, với những hàng quán lấp ló khắp nơi với mọi tiện ích có thể, những tầng hầm khách sạn không dành chỗ cho để xe và taxi hiện diện khắp mọi chốn, Sài Gòn vẫn dễ chịu và thân thiện trong cuộc sống hàng ngày. Tôi đã giật mình rồi tự cười mình một lúc khi chú vẹt già tuổi bên hông khách sạn Kelly cất giọng khàn khàn như một người đàn ông “Xin chào! Ngày zdui zdẻ” lúc mình ngang qua.

Tận tình, không nề hà có lẽ là một tính cách của người Sài Gòn trong phục vụ, cho dù bạn ở một trung tâm mua sắm cao cấp, một nhà hàng bình dân, một quán cóc, một quầy hàng hay chỉ là nhờ vả người bên đường về một điều gì đó. Điều này gần như đã san phẳng tính e dè cố hữu ở những ai đó, nhất là những cô bé chẳng mấy khi đến Sài Gòn từ Huế. Tôi đã nghĩ về sự hòa nhập này từ hai cô con gái nhỏ của mình, cách mà chúng tíu tít dẫn nhau đi trên đường hay trao đổi với những người bán hàng. Thật ra thì cũng có lần con gái lớn của tôi tái mặt gọi mẹ khi trả cho xong một món hàng ở mức thấp nhất để đi nhưng bị hai người bán túm tay lại để bán cho bằng được. Có vẻ như đây chỉ là trường hợp không mấy phổ biến. Khi nghe tôi kể lại điều này, người lái taxi con khá trẻ cười ngất và bảo, vụ đó trước nhiều quá chừng, giờ hổng mấy khi nữa nghen chị. Em mà rước được chị với mấy nhỏ sớm, em đưa qua bên chợ An Đông sắm đồ. Bên đó người ta nói thêm có chút xíu à. Lái xe trên một cung đường khác thì kể, em từ Nghệ An vô. Ngày mới chạy taxi, cũng hơi ngán chút nhưng được cái khách dễ tính, sẵn lòng chỉ đường khi mình không biết. Với khách vãng lai thì cứ hỏi điểm đến, hỏi đồng nghiệp, hỏi tổng đài, kẹt quá thì tìm số phone nơi khách muốn đến để được chỉ đường. Giờ ôm vô lăng hơn chục năm rồi nhưng có phải đường nào cũng nhớ đâu...

Sài Gòn là một cảm giác rất dễ hòa đồng. Y như ly café của chị Hai bên hông chợ Bến Thành. Đen đá của chị ngon hơn hẳn mấy chỗ khác. Thích nhất là phong cách rất sport với quần jean, áo pull, giày cũng ba ta, bao da nâu thay cho thắt lưng vòng quanh eo. Vừa làm nước cho khách, vừa chỉ dẫn ăn gì ngon, quán nào và nên mua gì, rồi chị mừng rỡ hỏi mấy nhỏ đến từ Huế hả? Có phải mấy tháng trước con uống nước cô bán rồi phải hôn? Cô người Nha Trang nè. Chừng nào lại quay lại chỗ cô nhen...

Sài Gòn là một cảm giác dễ chịu khi chẳng có khoảng cách năm tháng nào với người bạn trai từ thời cấp hai, dù bạn đã mười mấy năm học và sống ở Nga, rồi cũng ngần ấy năm định cư ở Sài Gòn quê vợ và gần như chẳng có thông tin gì về nhau. Tôi nhớ cách bạn nhấn chữ “hiểu” như một thói quen khi bày tỏ thái độ về một điều gì đó. Nhớ cách bạn bận bịu xử lý công việc qua điện thoại dù luôn nói mình chỉ là thảo dân. Nhận ra giọng Huế phai trong âm điệu đã nhấn nhá lắm tiếng Sài Gòn. Nhưng biết bạn còn Huế thật sâu trong những nỗi nhớ dài hay khi ngoái nhìn những kỷ niệm cũ.

Mấy ngày Sài Gòn, với những bước chân có lúc mỏi nhừ trong các ngõ phố, với tất thảy những cung bậc dung dị của nhịp sống, tôi cứ hình dung Sài Gòn như điệu Flamenco sâu lắng mà rộn rã mình nghe mỗi lần ngang qua Ben Thanh street food maket mà ban nhạc trẻ chơi ở sân khấu nhỏ ngay gần lối vào. Cái âm thanh quyến rũ đến độ, tôi và hai cô nhỏ của mình đã dừng lại, bước vào và gọi mỗi người một suất ăn trong lao xao ngôn ngữ đa vùng và đa sắc thái...

Mộc Trà