Khám nha khoa cho học sinh tiểu học
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, mức đóng BHYT của đối tượng học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở và được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. Từ ngày 1/5, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng/tháng, nên mức đóng BHYT của HS – SV năm học 2016-2017 sẽ là 457.380 đồng/năm, thay vì 434.700 đồng như năm học trước. Dẫu số tiền đóng BHYT có tăng, song, năm học trước, HS-SV đã tham gia BHYT 15 tháng nên thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết tháng 12-2016. Đối với HS lớp 1 và SV năm 1 có thể đóng gộp 3 tháng cuối của năm 2016 với năm 2017 hoặc chỉ đóng 3 tháng của năm 2016 sau đó đóng tiếp năm 2017. Còn HS chưa có thẻ BHYT năm 2016, kỳ đóng thực hiện như HS lớp 1 và sinh viên năm 1. Thế nên, năm học này, việc tăng mức đóng mới tác động chủ yếu đến HS lớp 1 và SV năm thứ nhất.
Đây là năm đầu phụ huynh được giãn thời gian đóng BHYT đến cuối năm, tránh cùng lúc đóng nhiều khoản tiền khi vào đầu năm học. Đối với HS – SV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2016. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HS-SV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, phụ huynh có con đang theo học tại Trường tiểu học Vĩnh Ninh cho hay: Tôi có hai con học cùng trường. Đầu năm, có nhiều khoản phải đóng nên nghe thông tin cuối năm 2016 mới mua thẻ BHYT cho con nên bớt lo. Hơn nữa, chúng tôi có thể chia ra hai lần trong năm để đóng.
Học sinh chưa phải đóng BHYT vào đầu năm học 2016 – 2017
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2015-2016, các cơ sở giáo dục và đào tạo không được tổ chức thu các khoản bảo hiểm tự nguyện (có nơi gọi là bảo hiểm toàn diện, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tai nạn…). Trong khi BHYT chưa thu đầu năm học, nếu vẫn tổ chức bán bảo hiểm tự nguyện như mọi năm rất dễ gây nhầm lẫn cho phụ huynh về khoản BHYT bắt buộc của Nhà nước. Năm học 2016-2017 này, ngành giáo dục cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường trong việc thực hiện quy định không thu bảo hiểm tự nguyện. Phụ huynh cần phân biệt rõ giữa BHYT và bảo hiểm tự nguyện để thực hiện đúng nghĩa vụ và bảo đảm quyền lựa chọn của mình.
Theo quy định của Luật BHYT, học sinh, phụ huynh được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một cơ sở KCB trong danh sách của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) gửi cho các trường. Chi phí KCB BHYT HS-SV tại tuyến xã hưởng 100%; chi phí KCB trong trường hợp tổng chi phí của 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở hưởng 100%. Trường hợp HS-SV có thẻ BHYT khi KCB vượt tuyến, trái tuyến (không đúng theo đăng ký cơ sở KCB ban đầu) thì được hưởng quyền lợi KCB theo tỷ lệ sau: bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB; bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú; bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí đều trị nội trú.
Trước những quyền lợi được mở rộng, phụ huynh mong muốn cơ quan BHXH cần lập danh sách các cơ sở KCB trên địa bàn gửi về các trường và đăng công khai. Các đơn vị liên quan cần có thông tin đầy đủ về việc cơ sở KCB nào đã quá tải, không thể nhận thêm người bệnh KCB BHYT để phụ huynh lựa chọn và đăng ký KCB ở cơ sở y tế khác. Đây là việc phân luồng người đăng ký, giảm tình trạng quá tải cho cơ sở KCB và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh khi khám bệnh mà không phải chờ đợi lâu.
Theo BHXH Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có trên 92% HS–SV tham gia BHYT. Số chưa tham gia tập trung chủ yếu tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư quy định sinh viên có thể bị xử lý từ nhắc nhở, khiển trách hoặc buộc thôi học nếu cố tình chậm, không nộp BHYT mà không có lý do chính đáng, nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Với những trường hợp sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế không thể tham gia BHYT thì hiện nay chưa có hướng giải quyết. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế theo lộ trình sẽ tăng 50% là gánh nặng đối với những người chưa có thẻ BHYT nếu không may bị đau ốm.
Huế Thu