Ngoài ưu điểm tỏa bóng, ít gãy đổ, bàng có nhiều nhược điểm không phù hợp với tính chất cây xanh vỉa hè. Đó là lá lớn, rụng nhiều, quả có nhân cứng, khá to, lúc rơi rụng vừa gây ô nhiễm, vừa có thể gây trượt ngã cho khách bộ hành; ngoài ra ở cây bàng thường xuất hiện rất nhiều sâu róm.

Nghịch lý là, trong khi các nhà quản lý đô thị muốn loại dần cây bàng ra khỏi danh mục cây xanh đô thị, thì cư dân đô thị lại tự ý trồng và phát triển bàng. Có lẽ từ đó, một loài cây xanh mới cùng họ hàng với bàng vốn sống từ những vùng đất châu Phi đã được một số người Việt chú tâm. Và cuối cùng sự chú tâm đó đã biến thành hành động, nguồn gen lạ châu Phi đó đã đến cư ngụ trên một số tỉnh thành Việt Nam. Đó là cây bàng lá nhỏ - Terminalia mantaly, cùng chi Terminalia và cùng họ Combretaceae với cây bàng. 
 
Bàng lá nhỏ còn được người Việt chúng ta gọi là bàng Đài Loan, nhưng người Đài Loan lại gọi là Tiểu diệp lãm nhân thụ.
 

Cây bàng lá nhỏ
 
Bàng lá nhỏ là một loài đặc hữu của vùng Madagascar, nên có tên tiếng Anh là Madagascar almond. Cây phân bố rộng rãi từ Madagascar đến Senegal, Ethiopia, Kenya, Somalia, Tanzania, Uganda. Đây là một loài cây gỗ nhỏ, rụng lá vào mùa thu hay mùa đông, cao từ 10 đến 20 m, thân thẳng với nhiều cành thẳng, hơi chếch, mọc gần vòng tạo thành những tầng tán đẹp mắt. Lá đơn nhỏ, nhẵn bóng, màu xanh sáng lúc non, mép nguyên. Hoa nhỏ, hơi xanh, tập hợp thành cụm bông (gié) thẳng đứng dài trên dưới 5 cm. Quả nhỏ, hình xoan hơi dẹt, hạt dài khoảng 1,5 cm. Cây ưa sáng, thích đất màu mỡ, tơi xốp, thoát nước tốt. Nhân giống bằng hạt. Trước lúc gieo, cần ngâm trong nước lả khoảng 24 giờ.
 
Ngoài tác dụng tôn tạo cảnh quan, vỏ và gỗ cây bàng lá nhỏ được dùng làm thuốc nhuộm và trị bệnh. Ở Madagascar, vỏ và gỗ thường được dùng để điều trị bệnh lỵ.
Do có lá nhỏ, tầng tán đẹp, cây bàng lá nhỏ rất thích hợp với việc trồng ở các khu đô thị thay cây bàng. Bàng lá nhỏ du nhập vào Việt Nam trong khoảng thập niên vừa qua, được trồng ở vài công viên, đường phố một số tỉnh thành Nam bộ. Dần dần nó được giới thiệu trồng làm cây bóng mát và tôn tạo cảnh quan ở một số thành phố miền Trung.
 
Ở Huế, bàng lá nhỏ chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây với số lượng cá thể khá khiêm tốn. Cho đến thời điểm này, theo sự hiểu biết của tôi, có lẽ khuôn viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chi Lăng là địa điểm đầu tiên ở Huế, nếu không muốn nói là duy nhất, có trồng cây bàng lá nhỏ.
 
Theo tôi, cây bàng lá nhỏ là một trong những nguồn gen ngoại lai cần được nghiên cứu bổ sung vào hệ thống cây xanh đô thị Huế. Bàng lá nhỏ có cành ngắn, gọn, lại mọc chếch lên nên vòm tán không quá lớn, chiếm không gian không nhiều, tầng tán thưa, thích hợp cho việc trồng trên những vỉa hè hẹp. Tất nhiên, việc bổ sung cây bàng lá nhỏ cũng như một số nguồn gen ngoại lai khác để đa dạng hóa chủng loại, phong phú hóa hình thái cho hệ thống cây xanh là cần thiết, nhưng cũng cần có những nghiên cứu mang tính hệ thống để không gia tăng số lượng quá mức đến nỗi phá vỡ tính bản sắc của hệ thống cây xanh thành Huế vốn được ngưỡng mộ lâu nay.
 
Bài và ảnh: Đỗ Xuân Cẩm