Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trong đó đặc biệt nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp cũng như thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức...

Trả lời phóng viên VOV.VN, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng Chỉ thị 26 ban hành đúng lúc, kịp thời. Song để thực sự Chỉ thị đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thì cần tổ chức triển khai thực thất và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để làm gương chứ không chỉ hô hào.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội

Điểm yếu nhất là thái độ trách nhiệm

PV: Việc Thủ tướng ban hành Chỉ thị 26 có ý nghĩa như thế nào trước tình hình thực tế đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Tôi cho rằng, Chỉ thị 26 ban hành đúng lúc và kịp thời. Trước đó cũng có nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định chấn chỉnh tương tự, nhưng Chỉ thị của Thủ tướng thể hiện quan điểm nhất quán của Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính và hành động. Việc ban hành Chỉ thị này mang tính thống nhất cả nước, đặt ra yêu cầu cao hơn.

Bộ máy hành chính tự nó không làm gì được, mà tốt hay không, có thay đổi được hay không chính là do hành động của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc chấn chỉnh thái độ, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ gúp cho bộ máy vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn.

PV: Việc Chỉ thị của Thủ tướng đề cập đến rất nhiều hành vi cụ thể cần chấn chỉnh, nghiêm cấm đã phản ánh thực tế bức xúc của người dân về thái độ, trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Nói chuyện đánh giá đội ngũ cán bộ công chức, tôi rất đồng tình với nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận diễn ra vào tháng 5 vừa qua.

Đó là không ít đảng viên có thái độ coi thường dân, không lắng nghe ý kiến quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân; thậm chí có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào thì như một "ông vua con" ở đấy.

Tôi cho rằng nhận định của Tổng Bí thư là rất đầy đủ.

Hơn nữa, trong thực tế hiện nay, tôi thấy thái độ thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức là điểm yếu nhất. Anh có trình độ cao đến mấy, có giỏi đến mấy mà ý thức thái độ kém thì nó không làm cho hoạt động bộ máy tốt hơn được.

Một bộ phận công chức theo nhìn nhận của tôi thì cứ công việc gì hay, có lợi cho mình thì nhao vào, còn công việc khó khăn thì chây ỳ, đùn đẩy cho người khác.

Trước tình hình đó thì việc có quy định cụ thể như Chỉ thị 26 để yêu cầu thay đổi là điều rất cần thiết.

PV: Ông từng nói trên diễn đàn Quốc hội rằng nhiều vấn đề nóng, bức xúc cũng chính từ đội ngũ công chức, viên chức. Phải chăng nguyên nhân cũng xuất phát tư điểm yếu về thái độ trách nhiệm, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Rất nhiều vấn đề nóng, bức xúc nêu ra thực chất đều do cán bộ công chức gây ra cả. Anh vừa hách dịch, cửa quyền, thiếu thái độ lễ độ với dân, thiếu trách nhiệm thì gây bức xúc cho xã hội. Do đó chỉ cần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ công chức thì vấn đề đó mặc nhiên được giải quyết.

“Thủ trưởng ngồi trong phòng nhả khói thì nói được ai”

PV: Nếu người đứng đầu gương mẫu, thực hiện nghiêm thì không có lý do gì không chấn chỉnh được thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức và làm cho tình hình tốt hơn?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến đó. Bởi vì bất cứ việc gì trong một cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu luôn luôn có ảnh hưởng rất lớn.

Ví dụ như việc hút thuốc lá trong công sở, khi thảo luận Luật phòng chống tác hại của thuốc lá tôi từng phát biểu tại Quốc hội rằng: nếu ông thủ trưởng cứ ngồi trong phòng nhả khói thì không nói được ai cả, không nói được cán bộ, công chức.

Các việc tương tự khác cũng vậy, nếu người đứng đầu làm việc nghiêm túc, có thái độ ý thức trách nhiệm tốt thì công chức nhìn vào đó coi như là tấm gương để rồi cùng thực hiện theo. Người đứng đầu không gương mẫu thì cán bộ công chức dưới quyền đương nhiên bị ảnh hưởng ngay.

PV: Bên cạnh có các quy định, ông có cho rằng cần chế tài mạnh, kỷ luật nghiêm trường hợp vi phạm để việc thực hiện Chỉ thị thực sự hiệu quả trên thực tế?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Tất cả quy định trong Chỉ thị 26 rõ ràng, cụ thể và có nhiều cái đã được quy định trong pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức rồi.

Ví dụ như việc không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng, vi phạm các quy định về kỷ luật lao động; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ…là những hành vi được miêu tả trong các hình thức kỷ luật trong Nghị định 34/2011/NĐ-CP về xử lý kỷ luật đối với công chức. Tức là anh vi phạm các điều đó thì đã bị xử lý rồi, nhưng bấy lâu nay mình làm không triệt để. Hay việc vi phạm các quy định về hút thuốc lá cũng được quy định trong Luật phòng chống tác hại của thuốc lá rồi.

Giờ hành vi nào còn thiếu thì bổ sung vào quy định của pháp luật, ví dụ như việc cấm không được sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc. Hoàn thiện các quy định để cán bộ công chức căn cứ vào đó thực hiện và thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức. Thực tế nhiều việc quần chúng để ý, theo dõi thì thấy có những việc mình cứ nói vậy thôi, hô hào là chính mà không thực hiện nghiêm chỉnh. Đó là điều dư luận quan tâm nhất.

Những vấn đề đó giờ nhân dân giám sát, cơ quan tổ chức đoàn thể và các đại biểu Quốc hội cũng tham gia giám sát, khi phát hiện trường hợp vi phạm cần xem xét, xử lý một cách nghiêm khắc thì mới gây dựng được niềm tin.

PV: Chỉ thị 26 cũng sẽ là căn cứ để Quốc hội giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Cuộc giám sát chuyên đề đó của Quốc hội sẽ diễn ra vào năm 2017 tới đây nhưng ngay từ bây giờ việc thực hiện Chỉ thị 26 sẽ giúp chấn chỉnh, sau đó rồi Quốc hội sẽ thực hiện giám sát thì chắc sẽ có chuyển biến nhất định. Tôi nghĩ Chỉ thị sẽ giúp cho việc giám sát của Quốc hội có thêm căn cứ.

Sau khi giám sát trên cơ sở tình hình chung của hoạt động bộ máy Nhà nước qua kết quả giám sát, Quốc hội sẽ có kiến nghị nhất định, qua đó giúp cải cách bộ máy hành chính sao cho thực sự có hiệu lực, hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV