Khuyến khích người dân giữ nghề

Nón lá Huế là sản phẩm có mặt hầu hết tại các điểm tham quan, tại các trung tâm thương mại phục vụ cho nhu cầu che nắng che mưa trong lúc tham quan trải nghiệm và mua sắm làm quà lưu niệm cho bản thân, gia đình và bạn bè khi đến Huế. Nón Huế còn được phân phối trên phạm vi cả nước thông qua các chợ đầu mối như chợ Đông Ba, Phú Mỹ…

Nón lá Huế được trưng bày ở “Chợ quê ngày hội”

Ngày 19/7/2010, nón lá “Huế” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, UBND  tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá Huế. Việc này góp phần vào việc bảo tồn và phát huy nghề làm nón ở Huế, đồng thời giúp Huế giữ được hình ảnh đặc trưng của đất Cố đô. Bên cạnh hình ảnh Đại nội Huế, chùa Thiên Mụ hay dòng sông Hương và những câu ca hò Huế, nón lá Huế còn góp phần vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như tính độc đáo cho sản phẩm du lịch Huế.

Rất nhiều du khách đã về các làng chằm nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm. Việc tham quan trải nghiệm nghề chằm nón tại các khu du lịch nông thôn, du lịch dựa vào cộng đồng có ý nghĩa to lớn trong việc tạo ra cảm xúc tích cực cho khách du lịch và nâng cao nhận thức của cộng đồng (bao gồm cả du khách, người dân, các doanh nghiệp) về văn hóa của địa phương, đất nước. Phát triển du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển của làng nghề nhờ vào việc người dân có thu nhập thông qua việc hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm và bán sản phẩm cho khách.

Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển du lịch (Sở Du lịch) chúng ta cần xem xét và giải quyết một số vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển du lịch dựa vào làng nghề làm nón lá ở Huế, đó là: Khuyến khích người dân giữ nghề. Đã có không ít người dân trong các làng nghề nón lá chuyển sang làm nghề khác vì mưu sinh. Lao động chính ở các làng nghề nón lá hiện vẫn là phụ nữ đã có gia đình, họ thường tận dụng thời gian nhàn rỗi trong nghề nông để làm nón. Còn các lao động trẻ hoặc đã chuyển sang làm trong các lĩnh vực khác hoặc đi sinh sống ở địa phương khác. Mặt khác, hầu hết tại các cơ sở sản xuất nón lá hầu như chưa hội đủ các điều kiện cần thiết cho việc tham quan trải nghiệm. Đặc biệt, vấn đề quảng bá. Có thể thấy, qua các hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch được tổ chức định kỳ hàng năm tại các trung tâm du lịch trong cả nước và quốc tế, nhiều sản phẩm làng nghề của Huế được giới thiệu thông qua các hình thức tài trợ như mè xửng Huế, đèn lồng Huế, tranh thêu Huế,… song nón lá Huế hầu như chưa được quan tâm chú trọng.

Đoàn tổ chức sở hữu trí tuệ các nước ASEAN thăm làng nón lá Mỹ Lam

Từ mô hình ở Thủy Thanh

Xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) được xác định là địa phương có tiềm năng du lịch với nhiều cơ hội để phát triển. Nghề chằm nón lá ở xã Thủy Thanh đã được nghiên cứu, trở thành điểm đến trong các tour du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm. Theo ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, gần đây, làng Thanh Toàn thuộc xã Thủy Thanh đã có những cải tiến trong hoạt động du lịch và đã đạt được những kết quả nhất định. Đó là:

Thứ nhất, phụ nữ làng Thủy Thanh được chính quyền khuyến khích và hỗ trợ trong việc giữ gìn nghề làm nón, do đó, tỉ lệ lao động, người dân làm nghề nón trong làng khá cao.

 Thứ hai, hoạt động du lịch trải nghiệm không chỉ đối với nghề làm nón lá mà còn có sự kết hợp với các hoạt động đặc trưng khác.

Thứ ba, để đa dạng trải nghiệm cho khách du lịch, một số các hoạt động văn hóa khác cũng được chú trọng như tổ chức chương trình tham quan các di tích văn hóa lịch sử trong làng như Cầu Ngói Thanh Toàn, phủ thờ Tôn Thất Thuyết, đền Văn Thánh, chùa Thanh Quang và tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống;

Thứ tư, du lịch trải nghiệm sản xuất nón lá Huế ở Thủy Thanh được tổ chức khá bài bản và quy mô, du khách đến du lịch trải nghiệm hiểu được sự cần mẫn, khéo léo của đôi tay người thợ và nhờ vậy giá trị của chiếc nón lá Huế cũng được nâng lên. Cuối cùng, khách du lịch sẵn sàng chọn mua sản phẩm nón lá để làm quà lưu niệm.

Mô hình du lịch trải nghiệm sản xuất nón lá Huế tại xã Thủy Thanh, mặc dù chưa được tổ chức một cách quy mô, nhưng tính hiệu quả của mô hình đã thể hiện rõ, là kinh nghiệm cho các địa phương khác trong việc phát triển du lịch dựa vào làng nghề truyền thống.

Với sự tác động của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và sự lan truyền của trào lưu văn hóa mới, các giá trị, nét đặc sắc văn hóa truyền thống sẽ đứng trước nguy cơ mai một. Các làng nghề truyền thống nói chung và nghề làm nón lá Huế nói riêng cũng không ngoại lệ. Nhưng bản thân chỉ đơn lẻ một đối tượng nào đó thực hiện sẽ không hiệu quả, manh mún và thiếu đồng bộ. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các cơ sở sản xuất nón lá với các đơn vị kinh doanh du lịch trong việc xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề, giới thiệu, quảng bá hình ảnh chiếc nón lá Huế nhằm thu hút khách du lịch đến Huế và đến với các làng nghề. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần thực sự chú trọng hơn, hiểu rõ hơn vai trò của sản phẩm nón lá Huế, thông qua việc đưa vào các khu trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ của Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Hùng - Đức Phú