Với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức Đảng trong các trường học từ mầm non đến khối phổ thông ngày càng được mở rộng và phát triển. Chỉ thị số 34-CT/TW năm 1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học” đã giúp cho công tác xây dựng Đảng trong toàn ngành GD&ĐT có những bước phát triển.

Ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh tặng hoa cho em Đoàn Quốc Hoài Nam, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học (Huy chương Bạc Quốc tế môn Hoá học)

Thừa Thiên Huế có khoảng 600 trường từ mầm non đến THPT. Các cấp ủy Đảng của ngành ngày càng nhận thức được công tác xây dựng Đảng trong trường học có ý nghĩa quan trọng, là mấu chốt để thực hiện có hiệu quả mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nguồn nhân lực vững về chuyên môn, tốt về phẩm chất đạo đức, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp giáo dục; đồng thời, coi công tác phát triển đảng viên là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức Đảng, của các tổ chức, đoàn thể.

Hằng năm, các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế chỉ đạo các trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị tổ chức các lớp bồi dưỡng cảm tình đảng dành riêng cho cán bộ của ngành. Một số tổ chức cơ sở Đảng ở xã, phường, thị trấn đề ra chỉ tiêu về phát triển đảng viên trong trường học; chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể thường xuyên giới thiệu nhân tố tích cực cho Đảng; phối hợp với chính quyền bố trí, điều chuyển cán bộ, giáo viên là đảng viên đến nơi chưa có đảng viên để “xoá” vùng “trắng” và làm cơ sở cho việc phát triển đảng viên.

Tuy nhiên, nhìn toàn cục, tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành hiện chưa tương xứng với nguồn phát triển. Việc phát triển đảng viên trong cán bộ, giáo viên, học sinh (HS) chưa được quan tâm đồng bộ. Đáng chú ý, sau một thời gian quan tâm đến phát triển Đảng khối HS THPT, đặc biệt là với HS có thành tích cao trong học tập, hiện công tác phát triển đảng ở hướng này ít tiến triển. Nhiều trường THPT chưa quan tâm và chưa kết nạp được đảng viên trẻ nào từ nguồn HS. Nhiều trường tốp đầu về chất lượng giáo dục như Quốc Học, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ công tác này cũng đang chững lại. Đa phần do các em chưa có thành tích nổi bật, chưa được định hướng, có trường hợp chỉ vì các em chưa tròn tuổi. Mặt khác, tổ chức Đảng ở các đơn vị này chưa thật chủ động giúp đỡ và tạo điều kiện cho HS rèn luyện, phấn đấu vào Đảng ngay từ năm học đầu tiên, chỉ đến năm cuối, khi các em đạt thành tích cao, mang vinh quang về cho trường, cho tỉnh… mới “lựa chọn” nên không kịp về khâu thủ tục. Ngành cũng chưa mạnh dạn kết nạp đặc cách, vì thế chưa tạo động lực để các em phấn đấu vào Đảng.

Chỉ thị số 34-CT/TW có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn rất cụ thể đối với công tác giáo dục toàn diện và công tác xây dựng Đảng trong nhà trường. Vì vậy, để thực hiện tốt cần phải quán triệt sâu sắc và chủ động triển khai một cách sáng tạo ở từng trường. Việc phát triển Đảng không bó gọn trong đội ngũ cán bộ giáo viên mà cần hướng về lực lượng trẻ,  tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú là học sinh THPT phát triển cũng như quan tâm công tác tạo nguồn để có giải pháp sát thực tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên.

Bài, ảnh: Hương Giang