Bệnh viện TP Huế đang điều trị cho bệnh nhân
 
Hiện thành phố có ít nhất 196/84+ ca dương tính sốt xuất huyết, phần lớn các phường đều đã có bệnh nhân sốt xuất huyết.
 
Theo ông Nguyễn Quang Hiền – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Huế: “Năm nay, dịch sốt xuất huyết do loài muỗi vằn gây ra sau khi đốt lên da người đã xuất hiện khá sớm, trải đều từ đầu năm đến nay và hiện tại đơn vị đang tích cực xử lý các ổ dịch và tiến hành nhiều biện pháp phòng dịch ở khắp 27 phường…”.
 
Mặc dù có nhiều nỗ lực triển khai phòng chống dịch từ rất sớm, song căn cứ vào số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Ông Hiền cho biết thêm: “Hiện, thành phố phát dán 2.000 tờ rơi tại các điểm tập trung nhiều người dân, đã và đang tiến hành phun diện rộng 100 lít hóa chất sát khuẩn K-Orthrin ở các địa điểm tại những phường có sốt xuất huyết, như: trường học, các đơn vị hành chính có liên quan hoặc gần ổ dịch… Đơn vị cũng đang khẩn trương tiến hành việc phát thêm 80.000 tờ rơi cho các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, nhà nghỉ, khu nhà trọ sinh viên…”
 
Để kịp thời phòng chống dịch sốt xuất huyết lan trên diện rộng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế thành phố tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng cục bộ tại hàng chục gia đình bệnh nhân, đồng thời khuyến cáo với người dân quanh vùng thực hiện đúng theo các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống bệnh sốt xuất huyết, như: Ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng…
 
Bên cạnh những nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch, như: Thay đổi bất lợi do thời tiết nắng nóng kéo dài xen kẽ mưa dông bất thường; điện cúp nhiều giờ (góp phần hạn chế phần nào sự lưu thông không khí trong nhà dân, nhiều cơ quan, đơn vị… và ở chừng mực đã tạo điều kiện thuận lợi gia tăng số lần muỗi chính đốt người… dẫn đến tỷ lệ nhiễm bệnh sốt xuất huyết cao trong thời gian gần đây); người dân chưa ý thức thau vét các vật phế thải, dụng cụ sinh hoạt của gia đình có khả năng để nước tồn đọng dài ngày, tạo điều kiện cho muỗi ẩn núp, sinh sản và phát triển… thì cũng cần thấy rằng, hiệu quả của công tác phòng chống đang gặp nhiều vấn đề, cần phải khách quan nhìn nhận và rút kinh nghiệm để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trên diện rộng như ở thời điểm hiện tại.
 
Nguy cơ từ dịch sốt xuất huyết là những điều không mới và theo đó, các biện pháp, trang thiết bị y tế, cơ chế thuốc men, hóa chất phun sát khuẩn… được trang bị khá đầy đủ, thì công tác triển khai như thế nào, hiệu quả hay không, làm đến mức độ nào vẫn cần được kiểm tra giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Đây là một trong những công tác quan trọng nhất, mang đến hiệu quả lâu dài, ổn định đối với công tác phòng chống dịch.
Đức Phương