Những năm gần đây, việc trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước để giảm nhẹ rủi ro trong môi trường nước được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) A Lưới quan tâm. Tiếp nhận dự án “Biết bơi để giảm nhẹ rủi ro thiên tai - Kỹ năng sống cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu” do tổ chức NCA tài trợ, Phòng GD&ĐT A Lưới nhanh chóng triển khai với phương châm “phòng hơn chống”.

Thầy và trò tập bơi ở bể nước mở tại A Lưới

Các nhà giáo trẻ sớm có mặt trong các khoá tập huấn tại Huế do Phòng Giáo dục tiểu học (thuộc Sở GD&ĐT) tổ chức, được các chuyên gia nước ngoài, có chứng chỉ quốc tế hướng dẫn. Sau khoá học, các học viên nhanh chóng triển khai dạy bơi tại cơ sở. Năm trường tiểu học đầu tiên của A Lưới, gồm Hồng Bắc, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Thượng và Phú Vinh là những điểm trường có ảnh hưởng, điều kiện sông nước rõ rệt được chọn. Xã Hồng Thái được Phòng GD&ĐT A Lưới chọn tổ chức hoạt động điểm của dự án.

Địa hình xã Hồng Thái phức tạp, vừa có đồi dốc, vừa có dòng sông Tà Rìn chảy dọc. Mùa mưa, con nước bất ngờ thường tạo nên nỗi bất an cho trẻ quanh vùng. Đây là vùng dân cư còn nhiều khó khăn về kinh tế, dân trí chưa cao. Vì thế, ngay việc học chính khoá cho con em, phụ huynh cũng chưa thực sự quan tâm. Việc quản lý trẻ như đưa đón tới trường, học ngoại khoá với bà con còn rất xa lạ. ÔngTrần Duy Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện A Lưới cho biết, dù từng xảy ra những vụ đuối nước đáng tiếc, nhưng người dân ở Hồng Thái vẫn ít chú ý tới trang bị kiến thức cho con em thích nghi trong môi trường nước, giáo viên tiểu học ở đây cũng ít người biết bơi.

Khi đón nhận dự án, ngoài động viên HS từ lớp 2 đến lớp 5 tham gia, Trường TH Hồng Thái đi sâu tuyên truyền trong phụ huynh để thống nhất lịch học và động viên phụ huynh đưa đón trẻ trong những ngày học bơi. Qua đó, động viên phụ huynh ký cam kết cho con em tham gia các khoá học do trường tổ chức và quan tâm đưa đón khi các em tham gia khoá học.

Buổi học bơi đầu tiên của HS tiểu học A Lưới được tổ chức tại xã Hồng Thái với sự tham gia của lãnh đạo Phòng GD&ĐT, các ban ngành trên địa bàn và một số phụ huynh, phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương, y tế để bảo đảm an toàn. Công tác khảo sát bể bơi mở, dọn vệ sinh khu vực tập bơi được quan tâm. Trong khoá học, HS được học kỹ lý thuyết, thao tác trên cạn một cách tỷ mỷ trước khi thực hành trong môi trường nước. Mỗi lớp học bơi đều đảm bảo chương trình với tổng số 18 tiết thực hành/1 khóa/20 HS; đảm bảo mỗi tiết học có 4 giáo viên cùng tham gia dạy và quản lý HS (mỗi giáo viên phụ trách 5 em), những em yếu được phụ đạo thêm giờ để hoà nhập.

Sau khoá học, 100% HS có thể bơi được từ 20 đến 30 mét, biết cách phòng tránh đuối nước, có được kỹ năng cứu đuối. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phát hiện HS có năng khiếu để bồi dưỡng. Nhờ vậy, trong đợt thi bơi của HS tiểu học toàn tỉnh 2016, A Lưới góp mặt  3 “kình ngư” và cả ba đều giành giải khá cao… Các thầy cô ở các trường tổ chức dạy bơi cũng nhận thấy dự án nhân văn này đã góp phần giúp HS tiểu học phát huy tính tích cực chủ động trong học tập, mạnh dạn trong cuộc sống, hăng hái trong các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Ngoài việc dạy bơi, các trường tuyên truyền cách phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho tất cả học sinh, để các em hiểu rõ, biết vận dụng để tuyên truyền cho mọi người xung quanh kiến thức đã được học. Theo ông Nguyên, những khoá học bơi này có sự tài trợ kinh phí cũng như trang thiết bị phục vụ dạy bơi khá đầy đủ nên việc tổ chức lớp dạy bơi thuận lợi; môi trường, chất lượng nước, các yếu tố an toàn ở địa điểm dạy bơi khá đảm bảo. Các điểm dạy bơi được xử lý, vệ sinh, không ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng của các khóa học.

A Lưới thuộc vùng khó khăn, mùa hè nắng hạn, mùa đông thường xuyên bị mưa lũ… nên việc tổ chức dạy bơi ở vùng nước mở cho HS tiểu học chưa được thuận lợi. Sau dự án, việc tăng cường số HS được học bơi là vấn đề Phòng GD&ĐT A Lưới quan tâm, nhất là khi không còn sự hỗ trợ từ dự án.

Bài và ảnh: Hương Giang