Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh cho biết, ảnh hưởng bão số 4 nên trên địa bàn có mưa to đến rất to và giông, lượng mưa phổ biến 100-400mm, một số nơi rất to tập trung khu vực phía Nam như trạm Nam Đông 426mm, trạm Bạch Mã huyện Nam Đông 593mm. Các hồ chứa nước thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn tháo cạn để sẵn sàng đón lũ; đã tiến hành mở các cửa đập Thảo Long, Cửa Lác, Cống Quan và các cống qua đê để tăng khả năng thoát lũ. 

Thống kê toàn tỉnh có 1 người chết, 1 người bị thương, hàng chục ngôi nhà bị sập và tốc mái.

Hơn 1,5 mẫu nếp của gia đình ông Nguyễn Minh (Hương Phong) bị gãy đổ. Ảnh: Hà Nguyên

Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Nam Đông, do trên địa bàn huyện đang thi công các tuyến đường La Sơn- Nam Đông và đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Đông- Túy Loan nên đã xảy ra 5 điểm sạt lở lớn tại các tuyến đường đi qua thị trấn Khe Tre và các xã Hương Phú, Hương Lộc làm bồi lấp các cống ngầm, cầu, đường; một số tuyến đường nội thị, khu dân cư bị bùn đất ngập nặng.

 

Các đơn vị thi công đang nỗ lực dọn dẹp bùn đất trên các tuyến đường và khu dân cư ở Nam Đông. Ảnh: Thái Bình

Mưa lớn đã làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường và khu dân cư ở hầu hết các địa bàn huyện Nam Đông. Cụ thể, đã có 310 nhà dân bị ngập nước; trong đó có 1 nhà ở thị trấn Khe Tre bị sập 2 phòng nhà dưới và công trình phụ, chưa có thương vong về người. Mưa lớn kèm theo gió cũng làm thiệt hại 5ha nuôi trồng thủy sản; 27ha hoa màu; một số diện tích cao su, keo, cây ăn quả bị gãy đổ; thiệt hại về gia cầm, gia súc cũng đang được thống kê.

Ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện tại UBND huyện Nam Đông đang tích cực thống kế thiệt hại ban đầu để báo cáo lên UBND tỉnh nhằm có hướng hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Riêng việc sạt lở và bồi lấp tại các công trình đang thi công, UBND huyện yêu cầu đơn vị thi công phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục, sớm ổn định đời sống cho Nhân dân. 

Hiện nay, số diện tích lúa hè thu trên địa bàn tỉnh còn khoảng 734 chưa gặt xong (trên tổng số gần 25 nghìn ha). Trong đó, tập trung ở huyện miền núi A Lưới và một số địa phương sát đầm phá như Hương Trà, Quảng Điền. Ông Nguyễn Minh, thôn Thuận Hòa B (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà), lo lắng: “Mưa lớn từ hôm qua đến nay nên 1,5 mẫu nếp của gia đình vẫn chưa gặt xong, đổ ngã khoảng 50%. Nếu những ngày tới gặp nắng thì sẽ tiến hành gặt phơi. Nếu tiếp tục mưa xem như trắng tay”.

Tại HTX NN Lãnh Thủy (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền), hiện còn hơn 60 ha lúa nếp tập trung vùng ven đầm phá, chưa thu hoạch xong. Ông Nguyễn Đình Vu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn thông tin: “Diện tích lúa nếp tại HTX Lãnh Thủy mới gặt được 10%, số diện tích còn ngập úng, lớn nhất huyện. Do đặc thù nằm ven vùng thấp trũng nên địa phương đang vận động bà con từ ngày mai (14/9), nếu trời nắng thì tiến hành gặt nhanh tránh thiệt hại”.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch số diện tích lúa còn lại trong những ngày đến. Riêng huyện A Lưới do lịch thời vụ lệch khung với các địa phương khác trong tỉnh nên sẽ tiến hành thu hoạch vào cuối tháng 9/2016. Các diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đang đảm bảo an toàn.

Trên địa bàn huyện A Lưới Từ tối 12/9 đến 9h ngày 13/9, đã có mưa to và có nơi mưa rất to, lượng mưa đo được tại Trạm Khí tượng A Lưới là 113 mm.

Đến 9h sáng 13/9, trên địa bàn toàn huyện có 6 nhà bị ngập, 5 nhà tốc mái và 1 nhà bị hư hỏng nặng; 12,5 ha lúa chưa chín bị ngập, 1 ha sắn bị ngập úng, 2 ha keo lai bị gãy đổ và 3 hồ cá bị vỡ với diện tích 1.200 m2. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở 3 điểm đoạn từ xã A Roàng đến Đồn Biên phòng Hương Nguyên, hiện nay đã thông tuyến; tuyến Quốc lộ 49A bị sạt lở tại đoạn Km 75 + 050 đến 75 + 120, đất tràn mặt đường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (thứ hai phải sang) kiểm tra tình hình chủ động ứng phó với bão lũ tại huyện A Lưới. Ảnh: Bá Trí​

Để chủ động đối phó với cơn bão số 4, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, UBND huyện A Lưới đã ban hành Công điện số 02 về ứng phó cơn bão số 4. Theo đó, từ chiều 12/9, các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tiến hành kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ hè – thu và triển khai các phương án phòng chống lụt bão tại các địa phương. Các ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra các hồ chứa, các công trình xung yếu, công trình đang thi công dở dang để kịp thời chỉ đạo các nhà thầu có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công. Đồng thời, duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.

Trước đó, để chuẩn bị ứng phó với bão lũ, huyện A Lưới đã dự trữ tại trung tâm huyện 25 tấn gạo, 10 tấn muối; các xã thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng xung yếu như Hồng Thủy, A Roàng, Đông Sơn, Hồng Hạ và Hương Nguyên đều dự trữ tại mỗi địa phương 1 tấn gạo và 1.000 gói mỳ tôm. Các địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão theo phương châm “5 tại chỗ” nên hạn chế thấp nhất thiệt hại trong cơn bão vừa qua.

Ở Phong Điền, các xã Phong Sơn, Phong Hòa, Phong Xuân, Phong An, bà con tiến hành thu hoạch sắn tránh thiệt hại do mưa lũ từ mấy ngày qua. Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, trên địa bàn năm nay đưa vào sản xuất khoảng 1.700 ha sắn. Đến nay, số diện tích vùng thấp trũng tiến độ thu hoạch chậm (mới khoảng 200 ha) nên có nguy cơ ngập úng, hư hỏng. Hiện, giá sắn nhập cho nhà máy Phong An thu mua thấp nên bà con chưa tiến hành thu hoạch nhiều”.

Theo thống kê của UBND huyện Phú Lộc, toàn huyện có 12 ha rừng bị thiệt hại, riêng ở xã Lộc Bình bị gãy đổ 5 ha. 1 nhà dân ở Lộc Sơn bị tốc mái 70%. Đến nay, còn 30 ha lúa hè thu chưa thu hoạch, có một số diện tích bị ngập cục bộ. Lúc 1h30 sáng, ông Trần Xuân Hối, SN 1949 ở xã Lộc An trượt ngã và tử vong tại bên nước sông Truồi khi đang kiểm tra ghe thuyền.

Tại huyện Phú Vang, để phòng chống thiệt hại do thiên tai gây ra, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thu hoạch vụ xong vụ hè – thu từ nhiều ngày trước. Đến trưa 12/9 đã kêu gọi toàn bộ 1.100 tàu thuyền lớn nhỏ về các khu neo đậu tránh bão an toàn. Thống kê cho thấy trên địa bàn huyện có 1 trạm biến áp bị hỏng; thân đê tây phá Cầu Hai bị hư hỏng nặng 4 đoạn với chiều dài 50m, sụt sâu 1m; 20 ha hồ nuôi hạ triều bị ngập tràn...

Tại TP. Huế, gần 10 cây me tây ở đường Đống Đa bị đổ ngã, trong đó, khu vực gần Sở Nội vụ có hai cây đổ về phía tay trái, ngay tại vỉa hè, một cây đổ chắn ngang cổng trụ sở Hội Nông dân tỉnh. Tuy nhiên, không gây cản trở, ảnh hưởng nhiều đến giao thông, đi lại.

Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, đơn vị vừa nhận bàn giao quản lý, chăm sóc hai hàng me tây ở đường Đống Đa tiến hành cắt mé, đào hố để dựng lại các cây me tây. Dự kiến, trong ngày 13/9 toàn bộ cây đổ ngã, xiêu vẹo sẽ được trồng, dựng lại như cũ.

Theo ông Nguyễn Cẩn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, để đảm bảo cho cây me tây có thể chống chọi với bão, gió lớn, cần thiết phải thay cọc chống bằng sắt, thép thay vì cọc tre như hiện nay và đơn vị đang làm đề xuất để thực hiện việc này.

Ngoài đường Đống Đa, chỉ có một số cây trứng cá, bàng, phượng vỹ … thân, cành yếu nên đổ, ngã, xiêu vẹo trên một số tuyến phố và các công viên, Trung tâm Công viên cây xanh Huế tập trung lực lượng dọn dẹp, xử lý dứt điểm trong ngày 13/9; Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế cũng huy động lực lượng công nhân tiến hành quét dọn vệ sinh các tuyến đường chính, nơi có nhiều cây xanh do lượng lá đổ, cành rơi nhiều để trả mặt đường sạch đẹp. Dự kiến trong ngày 13/9 sẽ thu dọn, vận chuyển toàn bộ lá, cành cây, rác thải trên các tuyến đường.

Theo Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế, dù lượng mưa khá lớn, song nhờ kết nối tốt hạ lưu nên nhiều tuyến đường trọng điểm về ngập úng như Đống Đa, Nguyễn Huệ, Trần Quang Khải, Hùng Vương, Bến Nghé không bị ngập úng trong sáng 13/9.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế thông tin, trên địa bàn chưa xảy ra thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân do ảnh hưởng của bão số 4. Đối với một số tuyến đường có cây xanh bị đổ ngã, xiêu vẹo, lãnh đạo TP. Huế chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp liên quan khẩn trương khắc phục, đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Một số hình ảnh sau cơn bão số 4:

Nhà của bà Trần Thị Chúc (thôn Tân An, TT Thuận An), tốc mái, tan hoang sau bão. Ảnh: Hà Nguyên

Một cây xanh bị gió quật ngã, làm hư mai nhà của một hộ dân ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Ảnh: Nguyễn Khánh

Mực nước tại các sông đang lên làm nhiều vùng đất bị ngập. Ảnh: Hà Nguyên

Một biển quảng cáo bị xô ngã tại thị trấn Thuận An. Ảnh: Hà Nguyên

Đào hố dựng cây đổ trước Sở Nội vụ. Ảnh: Tâm Huệ

Vệ sinh đường phố sau bão. Ảnh: Tâm Huệ

Một nhà dân ở thị trấn Khe Tre bị sạt lở đất làm sập trong rạng sáng 13/9 nhưng rất may không có thương vong về người. Ảnh: Thái Bình

 

         Nhóm PV