Chưa đến 8 giờ, nhưng nắng đã có vẻ rất “nồng”. Lót chiếc dép ngồi cuối hành lang, một phụ nữ liên tục ngóng ra đường, nơi dòng người xe xuôi ngược, sốt ruột:

 

- Sao trễ quá rồi mà “người ta” chưa đưa chúng nó đến?

 

Người chồng đánh mắt qua phía vợ, nhưng vẫn ngồi như bức tượng. Mệt nhọc!

 

Vợ bực bội:

 

- Tui thấy không có người cha nào như ông. Bố mẹ nào cũng mừng khi vị thẩm phán giải thích: bị cáo và cha mẹ của bị cáo (chưa thành niên) có quyền kháng cáo nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm. Toà sơ thẩm “kêu” án xong thì đứa nào cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án. Hai đứa trong bọn, tuổi chưa thành niên như “thằng cu” nhà mình, thì có cha mẹ chúng nó làm đơn. 15 ngày mới hết hạn, nhưng tui sốt ruột quá, từ toà án về tới nhà là chỉ muốn viết đơn xin giảm cho con liền. Vậy mà ông chẳng mảy may đoái hoài. Ông làm cha kiểu gì lạ vậy?...

 

Lúc này, người đàn ông trừng mắt:

 

- Tui tối mắt tối mũi với công việc, ít khi ở nhà, nhưng cũng nhận ra gần năm nay, “nó” có biểu hiện hư, đàn đúm với mấy đứa lêu lổng. Đi đi về về bất thường. Tui đã liên tục nhắc bà phải theo sát khuyên răn nó. Đặc biệt không nuông chiều, không để nó đòi cái gì là đáp ứng ngay cái đó. Hễ tui la mắng nó là bà lại “xông” vô can, làm gì nó không được thể làm bậy. Bây giờ bà vẫn không “mở mắt” nhìn hậu quả, lại còn léo nhéo nỗi gì?

 

Vợ hạ giọng:

 

- Thì vẫn biết là như vậy, nhưng bây giờ con bị xử năm tù, thì trước mắt tui với ông phải làm hết trách nhiệm với nó đã. Xin giảm được chừng nào tốt cho con chừng đó, chứ ở trong tù một ngày thôi cũng kinh khủng lắm. Được chiều chuộng quen rồi, nó làm sao chịu nổi!

 

- Kinh khủng mấy cũng phải chịu để trả giá cho việc làm của nó, để nhớ, lần sau mà chừa. Trong lúc xâu ẩu đánh nhau như vậy, lỡ người bị đưa vào bệnh viện, mất mấy chục phần trăm sức khoẻ, thậm chí mất mạng không phải là người khác, mà là nó thì bà tính sao? Tui với bà cũng được mời tới chỗ này, nhưng không phải ngồi sau lưng cái đứa bị còng tay mà ngồi sau cái khoảng trống khi nạn nhân đã nằm dưới nấm mộ tối tăm, thì bà tính sao? Bây giờ, bà phải nghĩ ngay đến điều đó, để biết giật mình, mà dạy dỗ, uốn nắn con cho đúng cách.

 

Đến lượt người phụ nữ ngồi như bức tượng. Gục mặt!

 

Vừa lúc đó, chiếc xe “bít bùng” chạy vào sân, giảm tốc độ, rồi dừng hẳn. Đám đông các ông bố, bà mẹ vội vã chạy đến. Cửa xe mở. 8 gã thanh niên lần lượt xuống, tay nằm trong chiếc còng. Nhiều bà mẹ thấy con như vậy bật khóc. Có người không khóc, nhưng mặt nặng trĩu tâm trạng, mà chắc chắn trong đó có nỗi lo làm thế nào để đứa con thực sự nhận ra lỗi lầm và thay đổi cách sống.

Duy Trí