Massage vòng bụng cho các chị "béo không đều" tại một cơ sở ở Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hành trình để có hình thể chuẩn, săn chắc ở họ cũng không hề kém nan giải so với những người béo phì toàn thân.
Chỗ cần không có,có lại không cần
Mới đây, chị L.T.H. (30 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) đã phải tham gia một khóa tập gym đặc biệt khi mà vừa phải tăng cân vừa phải giảm mỡ.
Chị H. có một thân hình không cân đối, nặng 46kg, cao 163cm (tính theo chuẩn BMI, chị H. được xem là gầy độ 1), chân tay gầy nhưng bụng lại lớn. Có thời điểm vòng eo lên tới 75cm nên chị H. thường không dám mặc đồ bó sát vì sợ lộ vòng eo ngấn mỡ của mình.
Tại trung tâm gym, chị H. được xác định là dạng gầy mà nhiều mỡ, cơ thiếu từ 7-8kg, do đó vừa phải ăn tăng cường trứng, thịt để tăng cân và tăng cơ, đồng thời phải tập các bài tập bụng để loại bỏ mỡ thừa và làm cơ săn chắc.
Tuy nhiên, do không có sự kiên trì nên kết quả sau 2 tháng tập luyện của chị H. không được khả quan như mong đợi, trọng lượng cơ thể có tăng hơn nhưng mỡ thì vẫn cứ thừa như cũ.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết hiện tượng tích mỡ tại một số vùng trong cơ thể, thường thấy nhất là ở vùng bắp tay, đùi, bụng, mông, còn được gọi là dạng béo từng phần, nguyên nhân chủ yếu là do lười vận động gây nên.
Có hai dạng béo từng phần, phổ biến là dạng “béo trung tâm”, “béo phần trên” hay “béo đàn ông”, là hiện tượng vùng mỡ tập trung ở phần eo lưng và bụng. Kiểu béo này ẩn chứa nhiều nguy cơ bệnh tật như: tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu...
Còn dạng thứ hai là mỡ tích tụ nhiều ở vùng mông, háng, đùi - còn được gọi là “béo quả lê”, “béo phần thấp”, “béo kiểu đàn bà” - so với dạng béo kể trên thì kiểu béo này ít nguy cơ bệnh tật hơn.
Bà Lâm cũng cho biết đã gặp nhiều trường hợp người có thể trạng gầy nhưng lại béo phần bụng và bị bệnh mỡ máu cao. “Chính việc lười vận động đã dẫn đến hiện tượng tích mỡ từng phần và dẫn đến nhiều nguy cơ về bệnh tật” - bà Lâm nói.
Luyện tập thế nào là đủ?
Tình trạng cơ thể gầy gò nhưng eo bánh mì, ngực phẳng là nỗi lo lắng của nhiều chị em, kể cả các cô gái chưa lập gia đình và sinh con.
Trên một diễn đàn mạng xã hội, nhiều bạn gái cùng lứa tuổi 20-22 than thở cơ thể họ thuộc loại ốm, xanh xao vì không dám ăn nhiều do cứ ăn nhiều là mập, mà mập lại không đều, ăn vào thì eo lại to đùng lên, người ốm mà eo gần 70cm, cổ tay ốm mà bắp tay lại rất to.
Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố “trời sinh”, những người ngồi nhiều, ít vận động cũng thường để lại hậu quả là bụng lớn và kém săn chắc, kể cả các cô gái trẻ.
Cũng theo bà Lâm, không có dinh dưỡng riêng biệt dành cho những người béo từng phần so với những người béo toàn thân. Bữa ăn vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, lành mạnh, hạn chế rượu bia, chất béo, đạm, thực phẩm ăn sẵn... - những thứ dễ gây tăng cân, béo phì.
Quan trọng nhất là phải tập luyện như massage các vùng mỡ thừa, tập gập bụng, gập lưng... nhằm loại bỏ mỡ và làm cơ săn chắc.
Theo một điều tra tiến hành năm 2015 mới công bố đầu tháng 9 vừa qua tại Hà Nội, có đến gần 1/3 dân số (28,1% người Việt) không đạt mức hoạt động thể lực theo khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm (chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại VN), mức khuyến cáo là tối thiểu 150 phút/tuần với các hoạt động thể lực dạng vừa như đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ, hoặc 75 phút/tuần nếu tập các môn tốn sức hơn như đá bóng, chạy nhanh hoặc chơi tennis.
Tuy nhiên hoạt động thể lực phải tiến hành đều đặn giữa các ngày, chứ không phải dồn cục vào cuối tuần, còn các ngày trong tuần chỉ làm công việc thông thường xong lại ngồi và nằm, vì cứ nghỉ quá 2 ngày thì hiệu quả của buổi tập lại về không.
Riêng những người béo từng phần thì cần áp dụng các bài tập chuyên biệt để giúp các vùng đang quá khổ thon thả lại, như bắp tay, bắp đùi, bắp chân, eo, hông, mặt, nhưng nguyên tắc là phải tập đúng bài, đủ thời gian, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý thì mới đạt hiệu quả.
Mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là tối thiểu 150 phút/tuần với các hoạt động thể lực dạng vừa như đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ, hoặc 75 phút/tuần nếu tập các môn tốn sức hơn như đá bóng, chạy nhanh hoặc chơi tennis. Về chế độ ăn, hiện người Việt ăn trung bình trên 200 gam rau, trái cây/ngày/người, trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 400 gam/ngày. |
Theo Tuổi trẻ