Đến xã Phong Hải, chúng tôi thấy một sân chơi thể thao được đầu tư khá bài bản. Trong khuôn viên rộng chừng hơn 1.000m2 có 2 sân cầu lông, bóng chuyền được trang bị lưới, dưới đất có thảm cỏ nhân tạo.

Anh Sơn sửa lại lưới bóng chuyền giữa trưa nắng

Giữa cái nắng gắt của vùng biển Phong Điền, người đàn ông sinh năm 1978 cặm cụi sửa từng mảnh lưới. Mồ hôi nhễ nhại, thấm ướt cả một vạt áo trước ngực. Anh nhẹ nhàng: “Chờ tui một chút, làm cho xong để chiều nay bà con ra chơi. Hôm nay là cuối tuần”.

Nguyên sân chơi thể thao là bãi rác của hai thôn Hải Thành và Hải Nhuận. Là bãi rác tập trung nên bà con địa phương đổ đủ loại, từ bê tông, tro trấu đến xác mắm. Do chỉ cách Trường tiểu học Phong Hải một bờ tường nên mỗi lần có gió thoảng qua, học sinh và giáo viên trong trường lại chịu mùi hôi nồng nặc. Từ đây, có một khe nước đọng chạy ra biển, nguy cơ ô nhiễm. Hố rác gần khu dân cư nên cuộc sống của những hộ dân sống gần đó ít nhiều bị ảnh hưởng.

Sau những trăn trở, đầu năm 2016, anh Sơn quyết định “cải tử hoàn sinh” vùng đất. Thấy một số thanh niên địa phương thích ăn nhậu, dễ sa vào tệ nạn xã hội, anh nghĩ, cải tạo bãi rác thôi chưa đủ. Cuối cùng, ý tưởng về một sân chơi thể thao hình thành.

Để di dời bãi rác, anh xin phép chính quyền địa phương rồi chạy khắp nơi vận động kinh phí. Gõ cửa từng nhà, có người vui vẻ đóng góp, nhưng cũng không ít trường hợp cho rằng anh, lo chuyện bao đồng.

Có kinh phí, việc thực hiện lại phải tốn khá nhiều công sức, phải hài hòa giữa dạy học, việc nhà và việc xã hội, lặn lội tìm người có kinh nghiệm nhờ hướng dẫn.

Sau khi làm sạch môi trường, anh Sơn phải thuê người gác để nhắc nhở người dân không đổ rác rồi bắt điện, làm pa nô tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường. “Có những đêm, tui thao thức đến tận sáng, chỉ mong sân chơi thể thao đáp ứng được nguyện vọng của người dân”, anh Sơn kể. Tháng 5/2016, sân bóng chuyền ra mắt người dân xã Phong Hải. Sau đó một tháng, sân cầu lông đi vào hoạt động, trở thành hai sân chơi thể thao miễn phí cho bà con địa phương.

Trở lại Phong Hải chiều cuối tuần, chúng tôi chứng kiến cảnh đông đúc, nhộn nhịp. Người chơi không chỉ là thanh, thiếu niên mà đa dạng lứa tuổi, bất kể nam, nữ. Từ “dự án” của anh Hoàng Kim Sơn, hoạt động này được bà con Phong Hải  xã hội hóa bằng cách người góp của, kẻ góp công.

Anh Trần Phước Sinh, người dân tại đây cho biết, từ ngày có sân chơi thể thao, hạn chế rất nhiều thói hư tật xấu của một số người, nhất là chuyện ăn nhậu của thanh niên. Xã đã có 5 đội bóng chuyền, trong đó có 2 đội chơi thường xuyên. Chia sẻ những dự định, anh Sơn cho biết, sẽ thường xuyên tổ chức các giải đấu để phát triển phong trào văn hóa, thể dục thể thao, mở rộng lợi ích không chỉ cho là bà con trong xã mà còn lan rộng ra vùng Ngũ Điền. Ông Trương Như Chương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phong Hải chia sẻ: “Trước đây mùi hôi từ bãi rác rất khó chịu, ảnh hưởng đến công tác dạy, học. Từ ngày địa điểm bãi rác được cải tạo thành sân chơi thể thao, giáo viên và học sinh của trường phấn khởi, yên tâm”.

LÊ HỮU PHÚC