Tọa độ số 0 - Kỳ đài Huế

Kỳ đài (cột cờ) là một di tích kiến trúc thời Nguyễn, được xây dựng năm Gia Long thứ 6 (1807), ở vị trí chính giữa trên mặt nam của Kinh thành Huế. Kỳ đài gồm hai phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ đồ sộ gồm 3 tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m; tầng giữa cao gần 6m; tầng trên cùng cao hơn 6m. Tổng cộng của ba tầng đài cao khoảng 17,5m. Chung quanh mỗi tầng đều có xây lan can, mặt nền của các tầng đài đều lát gạch Bát Tràng.

Cận cảnh điếm canh trên Kỳ đài. Ảnh chụp từ tư liệu của NNC Phan Thuận An cung cấp

Cột cờ nguyên làm bằng gỗ, gồm 2 tầng, cao gần 30m. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài suốt hơn 32m. Đến năm Thành Thái 16 (1904), cột cờ bị một cơn bão lớn thổi gãy, sau phải đổi làm bằng ống gang. Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy. Năm 1948, cột cờ bằng bê-tông cốt sắt với tổng chiều cao 37m như hiện nay mới được xây dựng. Trên đỉnh cột cờ còn đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đẩu. Thời đó, thỉnh thoảng lính canh phải trèo lên Vọng Đẩu dùng kính Thiên lý quan sát ngoài bờ biển. Ở tầng trên cùng còn có hai điếm canh, nhưng trải qua thời gian và chiến tranh, cả hai đều bị phá hủy hoàn toàn.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. “Kỳ đài được xem là tọa độ số 0 của Kinh thành Huế, của miền Trung dưới thời Pháp thuộc, đồng thời cũng là tọa độ số 0 dưới thời Nguyễn và đây cũng là một trong những công trình biểu tượng của Huế. Nhà nước đã quan tâm đầu tư, tu sửa Kỳ đài nhiều lần, nhưng tôi thấy tiếc khi cho đến bây giờ, hai điếm canh trên Kỳ đài vẫn chưa được phục hồi, mặc dù chúng ta có rất nhiều tư liệu thể hiện về việc này”, ông Phan Thuận An nói.

Để minh chứng cho sự hiện diện của hai điếm canh trên Kỳ đài ấy, nhà nghiên cứu Phan Thuận An trưng ra nhiều loại tư liệu, từ bài viết cho đến hình ảnh chụp ở nhiều góc độ khác nhau. Ông nhấn mạnh: “Trong một dự án trùng tu Kỳ đài trước đây, hạng mục này đã được nghiên cứu và từng được triển khai thực hiện, nhưng không hiểu lý do gì mà việc đó dừng lại cho đến tận bây giờ. Nếu phục hồi được hạng mục này và được chính quyền cho phép thì tin chắc rằng, đây sẽ là điểm dừng chân rất độc đáo để khai thác du lịch tuyến Thượng thành, ngắm cảnh sông Hương, Kinh thành Huế...”

Tìm giải pháp bền vững

Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản số 2001/BVHTTDL-DSVH ngày 21 tháng 5 năm 2015 gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế về việc thẩm định dự án phục hồi thích nghi điếm canh tầng ba Kỳ đài Huế. Trước đó, tháng 3/2015, Trung tâm BTDTCĐ Huế có công văn đề nghị được thẩm định dự án nói trên. Sau khi xem xét, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận dự án phục hồi thích nghi hai di tích điếm canh tầng ba Kỳ đài Huế. Để triển khai các bước tiếp theo của dự án, Trung tâm BTDTCĐ cần nghiên cứu, khai thác triệt để tư liệu hiện có về di tích phục vụ cho việc xác định chính xác quy mô mặt bằng, vị trí cửa và chi tiết trang trí mái của các điếm canh; đồng thời bổ sung căn cứ pháp lý theo những quy định mới vào thuyết minh dự án.

Kỳ đài (có 2 điếm canh) nhìn từ Ngọ Môn. Ảnh tư liệu do NNC Phan Thuận An cung cấp

Theo, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, hạng mục hai điếm canh trên Kỳ đài được đưa vào các kế hoạch trùng tu, phục hồi từ lâu, nhưng kinh phí có phần hạn chế nên cần phải tính toán thêm. “Việc làm lại hai điếm canh là cần thiết nhưng cần nghiên cứu kỹ vì: Sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan chung do lâu nay mọi người đã quen mắt nhìn Kỳ đài không có 2 công trình này. Hơn nữa, chúng ta cũng phải chọn cách thức cho phù hợp vì đây là vị trí cao điểm (17,5m), chịu gió bão thường xuyên nên cần có giải pháp bền vững cho công trình”, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Đồng Văn