Tôi vẫn nhớ như in những cái Tết Trung thu lúc đang còn ở bậc tiểu học. Cứ nhìn trời nhìn đất mong cho ông mặt trời chóng đi ngủ để được đi xem múa lân. Mỗi khi ông địa bụng tròn núc ních, mặt phúng phính toe toét cười xấn tới là ù té chạy, vậy mà vẫn cứ thích đi xem, mới kỳ. Lân đi tới đâu, gia chủ đã thấy mở cửa, treo tiền sẵn để mời chào. Có nhà thì treo cao để thử tài nghệ của lân. Có nhà thì thương tình, treo vừa phải cho lân dễ lấy, để còn mau đi nhà khác kẻo khuya. Chủ nhà nào trông cũng hoan hỷ, bởi quan niệm lân vào nhà là hên, là xua được tà ma và những điều xúi quẩy. Bên cạnh đó, lại còn là niềm vui đã cho lũ nhỏ chút quà để chúng vui Trung thu. Mà quả đúng là vậy, còn nhớ lúc ấy, thường là các anh chị trong các đoàn hướng đạo hay gia đình phật tử đi múa gây quỹ rồi tổ chức cho các em nhỏ phá cỗ, rất đầm ấm và rất vui.

Lứa chúng tôi lớn lên một chút, gặp lúc đất nước đang phải đối diện muôn vàn khó khăn, vậy mà đến Trung thu cũng không quên. Mấy đứa con nít trong xóm lúc này đã đủ khôn, họp bàn từ cả tháng trước đó “âm mưu” lập hội “mần ăn” riêng, đầu lân, đầu địa tự... sáng tác. Trống cũng tự chế tạo bằng chiếc thùng gánh nước bịt nylon dày nhiều lớp, năm nào hên mà kiếm được tấm vải áo giáp của Mỹ bịt làm tang trống thì tuyệt hảo. Xập xõa thì về nhà trộm nắp soong, hôm nay nhà đứa này, mai đến phiên đứa khác. Báo hại sau mỗi mùa Trung thu như thế, rất nhiều cái nắp soong phải ra nằm chỗ bác thợ gò để chờ được tu sửa nhan sắc kèm theo “bài ca” của các bà mẹ. Đó là những cái Tết Trung thu đọng mãi hoài trong ký ức...

Đời sống giàu có dần, các đoàn lân cũng ngày càng hoành tráng với lấp lánh đủ sắc màu, đủ nhân vật với nào địa, nào Tề Thiên, Bát Giới.... Trống ra trống, xập xõa ra xập xõa. Rồi xe, rồi thang, rồi đèn đuốc...Nói chung là đủ lệ bộ. Lân cũng bùng nổ như nạn...nhân mãn với rất nhiều đoàn, nhiều câu lạc bộ, nhiều “hội” này “đường” nọ. Trung thu dần dần dường như không còn là của trẻ thơ nữa mà trở thành mùa làm ăn của người lớn. Đến mùa Trung thu, lân tỏa ra đầy đường. Địa bàn này lấn sang địa bàn kia. Đoàn mạnh hiếp đoàn yếu. Đoàn to lấn đoàn nhỏ. Kể cả những “hội”, “đường” vốn lập ra để làm dịch vụ cho cưới xin, tân gia, khai trương, nhập học quanh năm cũng tranh thủ xuất quân tận thu. Có nhiều tuyến đường lân tập trung “tấn công” tổng lực. Đoàn này chưa ra đoàn khác đã chầu chực. Vậy là, rất nhiều nhà mới tối đã lo đóng cửa. Thậm chí, có những tuyến đường ngày thường vốn thức khuya với nhiều hoạt động bán buôn, dịch vụ, tới Trung thu bỗng nhiên lặng đèn tắt khói đi ngủ sớm. Tiếng trống lân không biết tự bao giờ trở thành “nỗi ám ảnh”. Thậm chí không ít người còn mong cho Trung thu qua mau để được... rảnh nợ (?!!)

Bỗng nhiên nghe như có cái gì đó hẫng hụt, rạn vỡ mỗi khi tháng tám ngày rằm...

Thượng Bích