Phơi tranh thờ phải lộn ngược để kẹp không phạm vào đầu
“Truyền kỳ” đào hầm để in tranh, bảo quản bản khắc trong điều kiện khó khăn… khiến du khách và các nhà nghiên cứu trầm trồ thán phục về tình yêu nghề của nghệ nhân tranh làng Sình. Tuy nhiên, chuyện về bút vẽ từ rễ cây dứa sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Tuy chỉ mới nhắc qua nhưng người nghệ nhân này không chút dấu giếm, vẫn hào sảng tiết lộ những bí quyết, từ đạo cụ cho đến chất liệu, màu… để làm nên một bức tranh dân gian nổi tiếng mà không phải ai cũng nguyện ý nói ra.
Thuở trước, màu in tranh làng Sình được chiết xuất từ cỏ cây, khoáng chất, như màu vàng chiết xuất từ lá cây đung, màu đen từ tro than lá tre, màu nâu vàng từ hoa hòe, màu đỏ từ lá bàng và màu son từ gạch non, sỏi,… Thời đó, người vẽ tranh thường dùng các loại bút lông Trung Quốc để tô màu. Nhưng đến những năm 80 thì họa phẩm rất khan hiếm trên thị trường, thỉnh thoảng mới mua được vài loại bút vẽ của Trung Quốc với giá rất đắt.
Trong một lần tình cờ, ông Phước nhận ra rễ cây dứa dại có những cấu trúc rất phù hợp với chức năng bút vẽ. Chỉ cần chặt một khúc rễ, tách vỏ phần đầu rồi đập nhẹ cho các rễ mạch mềm và xơ sau đó phơi khô là dùng được. Không ngờ, phát hiện ngẫu nhiên này lại hết sức hữu ích giúp ông không phải lo chuyện tìm mua bút vẽ. Bởi mỗi đoạn rễ dứa dại to, nhỏ chính là mỗi cây bút vẽ có kích cỡ khác nhau có thể sử dụng trong 2 năm. Nguyên liệu này lại mọc khá phổ biến ở vùng gò đồi các làng quê…
Cũng từ chuyện này, họa sĩ Nguyễn Đức Huy (Trường ĐH Nghệ thuật Huế) cho biết, bút vẽ làm từ rễ cây dứa dại cũng có thể dùng để vẽ trên vóc sơn mài, rất mềm. Khi họa sĩ Nguyễn Đức Huy trao đổi kinh nghiệm này với nhà nghiên cứu Phan Thanh Bình, ông Bình đã sử dụng cây bút này tô màu trong bức tranh sơn mài “Bát Bửu” của mình (tác phẩm sau đó được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung năm 2013 tại Quảng Trị).
Nhưng nói vậy không có nghĩa cứ chặt rễ dứa rồi đập cho xơ là có thể làm bút vẽ. Bởi không phải tự nhiên mà giới sinh viên mỹ thuật Huế từng “lưu truyền” rằng, chỉ có bút rễ cây dứa bác Phước làm mới dùng được.
Bút vẽ được làm từ rễ cây dứa dại
Thời đó, thấy ông Phước sáng chế bút vẽ từ rễ cây dứa, nhiều người cũng bắt chước làm theo để bán. Nhưng dù công đoạn y chang vậy mà khi phơi xong đều không dùng được. Hóa ra, sau nhiều lần thất bại, ông Phước nghiệm ra rằng, làm bút vẽ thì chỉ có thể dùng phần rễ trên cây sà xuống mặt đất chứ phần rễ nằm dưới đất ngấm nước nhiều, mềm, không thể vẽ được.
Hiện nay, bút vẽ làm từ rễ cây dứa dại của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước xuất hiện ở nhiều quầy lưu niệm tại các khách sạn Huế. Bút được bỏ trong ống tre mộc mạc nhưng tao nhã và đầy gợi nhớ về dấu xưa bình dị của văn hóa làng quê xứ Huế.
Trong suốt hành trình khám phá Huế, không ít du khách mang theo băn khoăn lẫn ngạc nhiên trước các bức tranh thờ in vẽ xong đều đưa ra phơi lộn ngược khi đến tham quan xưởng tranh của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.
Theo quan niệm phương Đông, đầu là bộ phận cao nhất, vì vậy những bức tranh thế mạng sau khi được in ra và tô màu chưa khô thì người nghệ nhân đưa lên giàn phơi và treo lộn ngược để kẹp sắt không phạm vào phần in có đầu, không để lại vết tích và đảm bảo tính thẩm mỹ cho tranh. Đó là nhờ tình cờ một lần nhìn thấy trong tờ tạp chí của Nhật Bản do khách đến tham quan tặng có những bức tranh thờ cúng được phơi ngược, tôi làm theo và thấy mình như được giải tỏa về mặt “tâm linh”.
Không biết thực hư đến đâu nhưng khi biết lý do tranh thờ cúng tại sao phải phơi ngược đã khiến du khách có thêm những điều kỳ thú để mang theo trong suốt hành trình khám phá văn hóa Cố đô.
Bài, ảnh: NHÃ HƯƠNG