Thi công Park Residences - giai đoạn 2 Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô
Kiên quyết thu hồi
Sau khi tiến hành rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ trong 6 tháng đầu năm 2016, ngày 28/6/2016, Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh (trước là BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô), có công văn báo cáo với UBND tỉnh và đề xuất hướng xử lý đối với các dự án. Theo đó, có 6 dự án chậm triển khai thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn KKT Chân Mây - Lăng Cô, với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.019 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 331 ha thuộc vào diện cần thu hồi.
Theo ông Trần Trọng Thông, Trưởng phòng Quản lý đầu tư, BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, trong năm 2015, BQL đã ra quyết định thu hồi 6 dự án. Năm 2016, có 6 dự án nằm trong danh sách cần thu hồi giấy phép, nhưng chưa ra quyết định thu hồi. Phương án xử lý các dự án chậm tiến độ được phân thành 2 nhóm: nhóm 1 là các dự án không có năng lực triển khai sẽ tiến hành các thủ tục thu hồi; nhóm 2 là các dự án có triển khai xây dựng và nhà đầu tư có cam kết tiến độ, chứng minh năng lực tài chính, ký quỹ bảo đảm thực hiện đầu tư dự án, sẽ được xem xét cho gia hạn tiến độ thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao (giữa) thăm dây chuyền sản xuất nhà máy One One miền Trung tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ảnh: Trần Dương
Ông Nguyễn Quê, Phó Trưởng ban Thường trực, BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết: “Ngay khi có báo cáo từ BQL, lãnh đạo tỉnh đã có các cuộc làm việc với các chủ đầu tư. Theo đó, đối với các dự án không có khả năng triển khai, sẽ kiên quyết tiến hành thu hồi vào cuối năm 2016; đối với các dự án mà nhà đầu tư cam kết sẽ triển khai, yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại kế hoạch triển khai, chứng minh năng lực tài chính và ký cam kết tiến độ, đặt cọc bảo đảm thực hiện dự án đầu tư để UBND tỉnh xem xét cho phép tiếp tục triển khai dự án. Thời gian để nhà đầu tư thực hiện các công việc này chậm nhất là đến hết tháng 12/2016. Trường hợp đến hết thời hạn, nếu nhà đầu tư không thực hiện các yêu cầu nêu trên hoặc không đủ điều kiện để cho phép tiếp tục, BQL sẽ tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án”.
Năm 2015, BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 6 dự án, với tổng vốn đăng ký 6.248 tỷ đồng, diện tích đất là 299 ha, gồm: dự án Khu nghỉ dưỡng - Sân Golf - Đầm Lập An của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lập An (Liên doanh Việt Nam - Đan Mạch); dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị Việt Long - Chân Mây của Công ty CP Đầu tư Việt Long - Huế; dự án Nhà máy sản xuất và gia công cơ khí Đông Á - Chân Mây - Lăng Cô của Công ty TNHH MTV Thép Đông Á; dự án Khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô của Công ty CP Du lịch Sinh thái Lăng Cô; dự án Khu du lịch nghỉ mát sinh thái biển Diana của Công ty CP Dịch vụ Đầu tư và Thương mại Việt; dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái biển Lăng Cô của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Trang trí nội thất Handico. |
Ngoài 6 dự án nằm trong danh sách cần thu hồi, trong thời gian tới, BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ còn lại và đề xuất hướng xử lý, báo cáo UBND tỉnh. Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là sẽ kiên quyết xử lý tất cả các dự án chậm tiến độ trên địa bàn để làm sạch môi trường đầu tư, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác thực sự có năng lực triển khai dự án.
Ưu tiên các nhà đầu tư tiềm năng
iện nay, hầu hết các dự án chậm triển khai ở KKT Chân Mây - Lăng Cô được cấp phép đầu tư vào khoảng năm 2007 và 2008. Theo ông Nguyễn Quê, dù nhiều hay ít, các nhà đầu tư đã có bỏ ra một số vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, cắm mốc…nên chủ trương là kiên quyết thu hồi các dự án nếu các nhà đầu tư không chứng minh được năng lực, nhưng cũng gia hạn ngày thu hồi để chủ đầu tư có thêm thời gian tính toán, huy động vốn trên cơ sở cả địa phương và chủ đầu tư cùng tìm được tiếng nói chung, cùng có lợi, thể hiện sự tôn trọng của địa phương với các nhà đầu tư.
Giải pháp trọng tâm được BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đưa ra trong thời gian đến khi kêu gọi đầu tư là đẩy mạnh thẩm định các dự án, nhằm thu hút được các dự án đầu tư có chất lượng. Cụ thể, trong công tác kêu gọi đầu tư, tập trung ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu và kinh nghiệm trong đầu tư các dự án cùng lĩnh vực; tăng cường công tác thẩm định về năng lực tài chính thông qua các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, thẩm định vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án, phải đáp ứng tỷ lệ tối thiểu trong tổng vốn đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án lớn, xem xét về cam kết cho vay của các tổ chức tín dụng đối với dự án; thực hiện biện pháp ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tă
ng cường công tác theo dõi, giám sát tình hình thực hiện dự án đầu tư để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư; nhắc nhở, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và kiên quyết xử lý đối với các dự án không có khả năng triển khai.
Đức Quang