Đau lòng nhất là trường hợp ông Trần Xuân Hối, xã Lộc An (Phú Lộc) bị ngã xuống sông Truồi tử vong khi ra buộc lại thuyến vào lúc 2 giờ sáng 13/9. Điều đáng nói là vấn đề mưa to gió lớn đã được các phương tiện thông tin đại chúng dự báo từ trước đó, cho thấy người dân vẫn còn chủ quan trong chủ động phòng tránh bão lụt. Một trường hợp khác là ông Hồ Xuân Lan, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) bị thương do cây gãy trúng người.

Chuyện cây gãy gây tai nạn cho người đi đường không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão mà có thể xảy ra thình lình. Ngày 13/6 vừa qua, một cây phượng có đường kính lớn trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Huế) bất ngờ bật gốc khiến một người đi đường bị thương. Còn nhớ 15 giờ chiều 19/5/2013, một trận mưa và gió lốc kéo dài chỉ 30 phút đã làm hàng loạt cây xanh trên nhiều truyến phố TP. Huế bị gãy đổ; một sinh viên Trường ĐHKH Huế bị cây gãy đánh trúng đầu phải nhập viện.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhiều trong trận bão vừa qua là những cây me tây trên đường Đống Đa (TP. Huế) bị gãy đổ. Nhiều người cho rằng, sớm muộn gì cũng thế, bởi đây là cây thuộc họ đậu, không có rễ cọc, không thích hợp trồng trên đường phố và đã có phản ứng khi ngành chức năng quyết định đưa loại cây này vào trồng. Đây là vấn đề cần tiếp thu nghiêm túc trong quy hoạch phát triển cây xanh đô thị; đặc biệt khi Huế đã trở thành thành phố xanh quốc gia và đang hướng tới thành phố xanh toàn cầu. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tiến hành rà soát, kịp thời phát hiện những cây xanh có nguy cơ gãy đổ nhằm có biện pháp chằng chống, thay thế để không còn gãy đổ bất ngờ gây nguy hiểm cho người đi đường.

Nằm giữa dải đất ven biển miền Trung, thường năm, Thừa Thiên Huế gánh chịu nhiều cơn bão từ Biển Đông đưa vào nên việc chủ động phòng tránh, “sống chung với bão” là điều cần thiết. Ngoài việc nâng cao ý thức cho người dân thì việc thiết kế hạ tầng thích nghi với điều kiện thời tiết, kể cả trồng cây xanh là vấn đề phải tính đến, nhằm hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn khi bão xảy ra.

Đặng Thành