PGS.TS Đặng Văn Bài trả lời phỏng vấn báo chí

Huế - Cố đô với 5 di sản

Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam. Với gần 400 năm tồn tại (từ năm 1558 đến năm 1945), các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã để lại những di sản văn hóa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt. Đến thời điểm này, đã có 5 di sản liên quan đến triều Nguyễn được UNESCO và các tổ chức thuộc UNESCO công nhận, như: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc, Mộc bản, Châu bản và Thơ văn trên kiến trúc cung đình. Tham gia hội thảo, các nhà nghiên cứu văn hóa gắn bó với di sản Cố đô Huế đóng góp tiếng nói về quá trình nghiên cứu, đánh giá các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn trên các phương diện, từ đó xây dựng một chiến lược toàn diện về bảo tồn bền vững, phát huy các giá trị di sản văn hóa do triều Nguyễn để lại.

Có hơn 70 bản tham luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước gửi bài tham gia hội thảo quốc tế lần này, trong đó tập trung chủ yếu ở các nhóm chủ đề: Đánh giá tổng quan về giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn, về công cuộc bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di sản; di sản kiến trúc cung đình Huế, di sản kiến trúc truyền thống Nhật Bản nhìn trong sự so sánh và công tác trùng tu, bảo tồn di tích;  những đặc trưng vùng miền trong kiến trúc cung đình Huế; giá trị cảnh quan, môi trường gắn liền với khu di sản Huế; công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; các di sản tư liệu; cổ vật cung đình thời Nguyễn và công tác nghiên cứu, phục chế cổ vật …

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cảm ơn các nhà nghiên cứu văn hóa và các đại biểu quan tâm đến di sản văn hóa Huế; đồng thời, nhấn mạnh: Hội thảo lần này giúp các nhà quản lý và chuyên môn có cơ hội nhìn nhận, đánh giá về những vấn đề liên quan đến công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cung đình thời Nguyễn; giúp Thừa Thiên Huế nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ các giá trị của di sản, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, chiến lược mới để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tài nguyên văn hóa phong phú và độc đáo của Cố đô Huế.

Chia sẻ với Huế

Năm 1945, triều Nguyễn chấm dứt, Huế trở thành Cố đô. Tiếp theo đó là 30 năm chiến tranh ác liệt (1945-1975), kho tàng di sản văn hóa của Cố đô Huế bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng. Điều đó đặt ra những thách thức vô cùng to lớn cho sự nghiệp bảo tồn. Tuy nhiên, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, nhiều công trình di tích của Huế đã được tu bổ, đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia, thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao những nỗ lực của Thừa Thiên Huế đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trên nhiều lĩnh vực. Liên hệ về sự tương đồng giữa kiến trúc gỗ cung đình Huế và kiến trúc gỗ truyền thống Nhật Bản, ông Mitsuhiko Nakamura (Hiệp hội Kiến trúc sư và Kỹ sư toàn Nhật Bản) chia sẻ câu chuyện về công tác bảo tồn kiến trúc gỗ của thành phố Kurayoshi. Trong nỗ lực bảo tồn các kiến trúc gỗ tại thành phố này, chính phủ Nhật Bản dành rất nhiều ưu đãi về thuế, như: thuế tài sản cố định, thuế quy hoạch thành phố và có thêm nhiều hoạt động phối hợp hỗ trợ từ các tay thợ lành nghề, gồm: thợ mộc, thợ trát tường, kiến trúc sư, thợ gỗ, thợ xây… và các chuyên gia bảo tồn.

Nhìn ra nhiều giá trị di sản đang tiềm ẩn khác của Huế, như: ẩm thực, ca Huế, các sản phẩm thủ công truyền thống, lễ hội cung đình… GS.TS Trương Quốc Bình (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đề nghị: Bên cạnh việc tiếp tục bảo vệ và phát huy có hiệu quả kho tàng di sản văn hóa cung đình, Huế cần tiếp tục lựa chọn, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học để đề xuất công nhận là di sản văn hóa quốc gia và di sản văn hóa thế giới cho các di sản đặc sắc nói trên.

Bàn đến một trong những vấn đề đang được quan tâm nhiều hiện nay là phát triển dịch vụ tại các điểm di sản, PGS.TS. Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam), cho rằng: Trong xu hướng xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy di sản thế giới, việc tạo ra sự đa dạng về các sản phẩm và dịch vụ du lịch cần thiết có cơ chế mở để thu hút nguồn lực ngoài công lập theo hướng hợp tác công/tư là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các nguồn đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch không nên triển khai trong các khu vực bảo vệ di sản; đặc biệt, khoán cho tư nhân làm dịch vụ và khai thác di sản qua hình thức bán vé, thu phí vào thăm di sản. Như thế, vô tình chúng ta lại hạn chế khả năng tự chủ, tự quản của các đơn vị quản lý di sản văn hóa thế giới. Quản lý Nhà nước về di sản là không làm thay cho cộng đồng nhưng đồng thời không thể khoán trắng cho cộng đồng.

ĐỒNG VĂN