Hiệp định TTIP vấp phải nhiều sự phản đối ở EU. Ảnh: AFP
"Chúng tôi hy vọng sẽ có hơn 250.000 người tham gia diễu hành trên toàn quốc vào hôm nay (17/9)" để phản đối Hiệp định TTIP, giữa lúc Washington đang cố gắng thúc đẩy để thỏa thuận có thể được ký kết vào tháng tới, một thành viên của nhóm chống toàn cầu hóa Attac - ông Roland Suess cho biết.
Các cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra ở 7 thành phố trên toàn nước Đức, bao gồm cả ở thủ đô Berlin và trung tâm kinh tế Frankfurt.
Mỹ và EU bắt đầu thảo luận về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vào năm 2013, với ý định thành lập một thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 850 triệu người tiêu dùng.
Theo kế hoạch, vòng đàm phán mới sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn có thể hoàn tất hiệp định này trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.
Nhiều người dân tụ tập phản đối Hiệp định TTIP tại Berlin, Đức, ngày 14/9/2016. Ảnh: AFP
Trong khi các nhà xuất khẩu ủng hộ TTIP vì nó hứa hẹn mức thuế quan thấp, giảm nhiều rào cản và mang lại một thị trường tiêu dùng rộng lớn cho các loại hàng hóa và dịch vụ của họ, thì phía người tiêu dùng lại lo sợ nó sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động của EU và bỏ qua các tiêu chuẩn về môi trường và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn nữa.
Khoảng 28% những người trả lời trong cuộc khảo sát gần đây về hiệp định thương mại này ở Đức nói rằng, họ nghi ngờ liệu thương mại tự do có thực sự mang lại lợi ích? Hơn một nửa (52%) số người tham gia khảo sát cho rằng, TTIP sẽ dẫn đến những tiêu chuẩn thấp hơn và sản phẩm ngày càng kém chất lượng.
Thực tế, chính phủ các nước châu Âu hiện cũng đang chia rẽ về thỏa thuận thương mại dự kiến này.
Trong khi chính phủ Pháp đã lên tiếng phản đối TTIP, với lời kêu gọi chấm dứt các cuộc đàm phán từ Thủ tướng Manuel Valls, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel lại bày tỏ sự ủng hộ giành cho TTIP.
Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel tháng trước nói rằng, các cuộc đàm phán về TTIP đã hầu như thất bại, mặc dù “không bên nào thực sự thừa nhận điều này”. Theo ông, các nước châu Âu không muốn chịu thiệt để đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ.
Bảo Nghi (Lược dịch từ PressTV & AFP)