Cháy rừng ở Indonesia gây khói mù nghiêm trọng. Ảnh: AFP

Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard và Đại học Columbia ở Hoa Kỳ, kết hợp dữ liệu vệ tinh với các mô hình về tác động của sức khỏe do tiếp xúc với khói mù và số liệu từ các trạm giám sát ô nhiễm, ước tính có đến 100.300 ca tử vong ở 3 nước do các đám cháy năm 2015, trong đó, Indonesia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 91.600 trường hợp tử vong sớm, 6.500 ca ở Malaysia và 2.200 ca tại Singapore.

“Nếu không có hành động ngay lập tức, khói mù sẽ tiếp tục làm gia tăng số ca tử vong sớm lên mức khủng khiếp, từ năm này qua năm khác”, tổ chức môi trường Greenpeace Indonesia cảnh báo.

Các nhà chức trách Indonesia trước đó khẳng định đang đẩy mạnh các nỗ lực chống khói mù, thông qua những hành động như cấm cấp đất mới cho các đồn điền dầu cọ và thiết lập một cơ quan mới nhằm phục hồi các vùng đất than bùn bị tàn phá.

Đợt bùng phát khói mù năm ngoái là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1997, do hiện tượng thời tiết El Nino mạnh, tạo điều kiện cho các đám cháy khô ở Indonesia, đồng thời khiến đất than bùn và rừng dễ bùng lên hơn trong ngọn lửa.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Phys & CNA)