Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội Bộ Luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này nhằm ứng phó với nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội, tình trạng già hóa dân số… Tuy nhiên, việc kéo dài độ tuổi lao động vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Công nhân lao động mong muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, từ năm 2016 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức (nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi). Từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Theo ý kiến của nhiều người lao động, nhất là lao động trực tiếp trong các ngành nặng nhọc như xây dựng, công nhân dệt may, da giày, dịch vụ…, việc quy định tuổi hưu như hiện nay là phù hợp và không nên tăng tuổi nghỉ hưu.
Anh Nguyễn Ngọc Thắng, làm ngành dịch vụ nhà hàng ở Bắc Giang cho biết: “Tôi nghĩ rằng một số ngành có thể tăng tuổi nghỉ hưu, còn nhiều ngành làm việc trực tiếp thì họ không muốn tăng tuổi nghỉ hưu đâu. Chúng tôi chỉ muốn rằng đến tuổi về nghỉ, nữ là 55, nam là 60 thì phù hợp”.
Theo chị Minh Nguyệt, nhân viên văn phòng độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ hiện nay là 55, như vậy là cao rồi, sức khỏe của người Việt Nam khó đáp ứng được độ tuổi nghỉ hưu cao hơn. Với những chị em làm việc trong các lĩnh vực có tính chất vất vả, độc hại, chắc chắn họ cũng có mong muốn giống như mình là nghỉ hưu sớm. Dự thảo nếu có thì cũng nên đưa ra những vấn đề để nghỉ hưu phù hợp với từng công việc, từng lĩnh vực nhất định, phù hợp với tâm lý, mong muốn của các lao động.
Ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban thi đua chính sách kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu như là một quy luật. Khi tuổi thọ tăng lên, kinh tế xã hội phát triển thì cũng cần thiết phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Để tăng tuổi nghỉ hưu thì cần phải nghiên cứu và xem xét các ý kiến khác nhau của các đối tượng khác nhau về việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Hiện nay tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam còn rất cao, số người không có việc làm còn rất lớn. Riêng số thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng đang không có việc làm là 200 nghìn người. Nếu kéo dài độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động đang làm việc thì sẽ tạo ra một áp lực rất lớn về vấn đề việc làm. Những người trẻ đến tuổi làm việc, đến tuổi tham gia vào thị trường lao động thì càng khó kiếm được việc làm. Điều này sẽ tạo ra một hệ quả xấu về vấn đề an ninh, trật tự, làm cho môi trường xã hội phức tạp lên.
Ông Đặng Quang Điều nói: “Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, có nghĩa số người đang ở độ tuổi lao động rất lớn. Trong khi đó, sự phát triển kinh tế xã hội và việc mở mang việc làm mới rất hạn chế. Vì vậy, trong thời điểm “dân số vàng”, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi nghĩ rằng thời điểm này chúng ta không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu một cách đồng loạt mà chỉ tập trung vào một số đối tượng, đặc biệt là đối tượng làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, khu vực hành chính ở một số lĩnh vực để tận dụng chất xám và trình độ cao của họ”
Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam thì tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm lực lượng lao động.
Trong thời gian vừa qua, tăng trưởng về lao động có dấu hiệu chậm lại và dự báo trong thời gian tới còn chậm hơn nữa. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ có nhiều đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế: “Do tuổi của người Việt đang tăng cao. Nam ở độ tuổi 60 và nữ ở độ tuổi 55, nhìn chung người ta còn sức khỏe rất tốt, trong giai đoạn tuổi này khả năng làm việc cũng tốt. Nếu họ được tiếp tục làm việc sẽ đóng góp hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần đào tạo thêm cho thế hệ trẻ. Tôi cho rằng chúng ta nên theo các nước, tăng tuổi nghỉ hưu nhưng tăng làm sao cho hợp lý”.
Đại diện cho người cao tuổi, ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam cũng cho rằng, nên nâng tuổi nghỉ hưu cho người lao động, nhất là lao động nữ:
“Tôi rất đồng tình với vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ. Tôi thấy nhiều phụ nữ ở độ tuổi 55 còn rất khỏe và có trí tuệ nhưng đã về nghỉ hưu. Đây thực sự là lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Bây giờ nhiều nước khuyến khích sử dụng lao động đến 65-67 tuổi nhưng mình thì phụ nữ 55 tuổi đang độ chín đã nghỉ rồi. Không thể lý giải hiện nay còn nhiều người thất nghiệp nên không tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ, như thế là không công bằng. Tăng tuổi nghỉ hưu rõ ràng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội”.
Trước những luồng ý kiến đang còn gây nhiều tranh cãi như hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần xem xét kỹ lưỡng, tăng tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng nào, tại thời điểm nào cần phải có lộ trình, làm sao vừa phù hợp với Bộ luật Lao động vừa đảm bảo sức khỏe của người lao động.
Kim Thanh/VOV - Trung tâm Tin