Nhiều tờ báo Úc viết về bà nội trợ đảm đang này như một hiện tượng và instagram của chị được một số đầu bếp nổi tiếng “ghé thăm”. Được ba mẹ hướng dẫn từ nhỏ và lo đảm trách bếp núc trong nhà từ 11 tuổi, cho đến khi có gia đình riêng, chị đem tất cả yêu thương để chăm lo bữa ngon cho chồng con rồi lập nhật ký ẩm thực cho riêng mình. Nhờ đó, món ăn Việt Nam của bà nội trợ Michelle Huỳnh tạo nên một cơn “bão” mạng xứ sở kangaroo.

Michelle Huỳnh chỉ là cái tên gốc Việt với món Việt mới nổi lên gần đây, còn trước đó là hàng loạt cái tên như Luke Nguyễn, Hồ Thị Hoàng Anh, Dương Khải Huy ... có người thậm chí đã được nhận ngôi sao trên Đại lộ Cordon Bleu ở Pháp, nơi vinh danh các đầu bếp thế giới. Khởi nguồn của họ chính là được giao trọng trách chăm lo bữa ăn cho gia đình hoặc tình yêu ẩm thực được vun xới, bồi đắp từ những người thương yêu theo tháng năm.

Trong buổi biểu diễn và trưng bày các loại mứt bánh cung đình tại Festival Huế 2016, chị Hồ Thị Hoàng Anh đã rơi nước mắt khi kể về mẹ và những món ăn... Khi nghe tin con gái giữ vai trò quan trọng trong buổi trưng bày, người mẹ cao niên của chị đã tận tay làm món xôi đường Phước Yên trên đất Mỹ để con mang về Việt Nam. Cái tình của người sinh thành với món ăn quê hương ấy khiến tổng đạo diễn buổi dạ yến càng chăm chút thể hiện tài hoa ẩm thực xứ sở mình, còn công chúng nghe thuyết trình hôm ấy cũng rưng rưng khi cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc đằng sau những món mứt bánh trân quý ấy. Có lẽ, từ tình yêu, sự chăm chút của người thân phần nào đã hun đúc nên tài năng của một nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng Hồ Thị Hoàng Anh, để rồi chị đã mang những giá trị tinh túy của ẩm thực Huế khiến quan khách Pháp, Đức, Mỹ... nức lòng khen ngợi.

Lan man nhiều chuyện để thấy rằng, bếp núc tuy là góc gắn bó và vốn được xem là khu vực “dành riêng” cho người phụ nữ nhưng từ đó đã tạo nên những nhân vật tầm cỡ. Từ món ăn, họ đã chinh phục thế giới và đưa nền văn hóa xứ sở mình đến với nhiều vùng đất rộng lớn. Thế nên, bữa cơm ngoài chuyện kết nối tình cảm gia đình còn là môi trường để nuôi lớn những tình yêu, những ước mơ... Khi áp lực công việc khiến nhiều người quên đi mâm cơm gia đình, lo ngại vào bếp thì “Về ăn cơm”, “Chuẩn cơm mẹ nấu”, “Vào bếp là chuyện nhỏ”... trên các kênh truyền thông đang kéo khán thính giả về với những câu chuyện thú vị bên các món ăn.

“Nếu quan tâm, hãy vào bếp; Nếu yêu thương, hãy về ăn cơm”, tôi thấy tâm đắc với câu nói này của một phụ nữ không quen biết khi chị kể về những điều “bé mọn” của phái yếu. Và biết đâu đấy, nếu cho con bạn cơ hội vào bếp, đó có thể là một cách “đặt chân” vào một thế giới mới với giấc mơ, hay chí ít là một cách để thể hiện sự quan tâm với người mình yêu thương.

ANH TÚC