Nói cách khác, nếu chỉ nhìn vào cái kết thì thấy V- Legue 2016 hấp dẫn, có tính cạnh tranh quyết liệt, nhưng bao quát toàn bộ hành trình của giải cao nhất của bóng đá Việt Nam thì sẽ cảm thấy rằng, đã 16 mùa mang danh chuyên nghiệp nhưng bóng đá Việt Nam vẫn cứ vậy, nếu không muốn nói là ngày càng khiến niềm tin của người hâm mộ rệu rã.

Giây phút Hà Nội T&T đăng quang vô địch V-League 2016. Ảnh: Internet

Đầu tiên đó là chuyện mà ai cũng biết khi bầu Đỗ Quang Hiển có tới 4 đội bóng đang thi đấu tại V-League (Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam và Sài Gòn). Việc bầu Hiển chi phối nhiều CLB tại V-League là câu chuyện gây đau đầu cơ quan quản lý bóng đá và ngành thể thao nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có cách giải quyết.

Cả 4 đội bóng của bầu Hiển đều mạnh, Hà Nội T&T đã là nhà vô địch còn SHB Đà Nẵng về đích thứ 3. Đành rằng trong quy chế của bóng đá chuyên nghiệp không có quy định cấm tình trạng này, nhưng nói như chuyên gia Vũ Mạnh Hải: “Việc một ông chủ sở hữu và tài trợ, nắm quyền kiểm soát nhiều CLB ở một giải đấu chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ cho điểm, nhường điểm và khiến giải đấu không còn trung thực”.

 Chuyện trọng tài vẫn là vấn nạn của bóng đá Việt Nam, đến mức: “Các trọng tài Việt Nam chưa có bất cứ khóa huấn luyện đạo đức nào, trong khi các CLB phải thường xuyên theo chỉ đạo là phải giáo dục đạo đức cầu thủ”, Chủ tịch QNK Quảng Nam Lê Nguyên Hồng thẳng thắn. Còn ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai kiêm Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức thì “xổ toẹt” luôn khi nói về Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi: “Dư luận, báo chí đã phản ứng rất nhiều về các sai sót của trọng tài, và chúng ta cần phải dập tắt dư luận. Quan điểm cá nhân tôi là anh Mùi nên nghỉ đi”.

Để khắc phục sự yếu kém của trọng tài, BTC V- Legue 2016 đã mời một số trọng tài nước ngoài điều khiển các trận đấu V- League 2016, đây thực sự là một nỗi buồn cũng là một câu hỏi đặt ra cho giới cầm còi bóng đá Việt, mà theo đánh giá của giới chuyên môn là do tư tưởng chứ không do trình độ bởi thổi trong nước kém nhưng ra nước ngoài thì thổi rất tốt.

Công tác trọng tài không tốt nên bạo lực sân cỏ vẫn xảy ra. Xem một số trận tại V- League sẽ thấy, sự khắc nghiệt của sân chơi này không đến từ cạnh tranh lành mạnh về trình độ chuyên môn mà đến từ những pha chặt chém trên sân cỏ. Phải chăng đó cũng là một trong những lý do kiến trình độ của bóng đá Việt mãi vẫn không phát triển được dù đã 16 năm thi đấu theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Và, hiện tượng các cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai chỉ được bùng lên trong một mùa bóng rồi sau đó phải ra nước ngoài thi đấu cũng cho thấy rằng, V- League không phải là một môi trường bóng đá tốt để phát triển.

Và, khi V- League 2016 hạ màn, những nỗ lực của các đội ở cuối mùa giải phần nào lấy lại hình ảnh cho giải đấu nhưng vẫn không thể xóa bỏ được sự khủng hoảng niềm tin về bóng đá Việt Nam, bởi đó là những cố gắng để xác định thứ hạng chứ không phải với tinh thần thể thao chân chính, vô tư.

Hàn Đăng