​Công bố giải “Nobel ngốc nghếch” 2016
Quang cảnh trong lễ trao giải Nobel ngốc nghếch ở ĐH Harvard - Ảnh: Reuters

Giới tính của chuột đực có bị ảnh hưởng khi nó mặc quần? Con người ta có bị say như một con dê? Những viên đá có cá tính không? Đó là những đề tài nghiên cứu vừa được trao giải Ig Nobel, tức “Nobel ngốc nghếch”.

Theo chủ trương đã xác định, hằng năm ban tổ chức lại xét trao giải cho những công trình nghiên cứu khoa học “khiến người ta cười, rồi khiến người ta phải suy gẫm”.

Trong buổi trao giải lần thứ 26 tại ĐH Harvard danh tiếng ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ), giải Sinh sản được trao cho nhà nghiên cứu của ĐH Cairo (Ai Cập), ông Ahmed Shafik với công trình về giới tính của chuột bị thay đổi khi chuộc được… mặc quần.

Nghiên cứu của ông Shafik, từng được công bố vào năm 1993, đã kết luận rằng một con chuột đực được mặc quần có chứa chất sợi polyester thì sẽ kém hấp dẫn con cái hơn so với những con được mặc quần bằng vải sợi len hoặc cotton.

Trong số 10 giải được trao có giải Sinh học được dành cho Thomas Thwaites, người Anh. Nhà khoa học này từng có ba ngày sống trong lốt của một con dê. Ông đã sáng chế ra những dụng cụ chân giả cho phép ông có thể bước đi lâu theo kiểu bốn chân của dê. Ông cũng đã sống như… dê là ăn cỏ (để an toàn là đã được nấu chin), uống nước.

Tuy nhiên năm nay Thomas Thwaites phải chia sẻ giải thưởng với một người có ý tưởng “sống trong lốt thú” như ông là đồng hương người Anh Charles Foster. Thậm chí ông Foster còn sống thử kiểu con lửng, con cáo, con hươu và con chim.

​Công bố giải “Nobel ngốc nghếch” 2016
Ông Thomas Thwaites ra nhận giải thưởng với bộ dạng con dê mà ông từng trải nghiệm suốt ba ngày - Ảnh: Reuters

Cả hai ông được trao giải, giống như những người đoạt giải khác, rất “hoành tráng” gồm tờ tiền 10.000 tỉ đô la Zimbabwe (trị giá thực hiện nay chỉ chừng 200 đồng VN!) cùng một chiếc cúp có dạng chiếc đồng hồ to.

Đứng ra trao giải thưởng Nobel vui nhộn tuy vậy lại là những nhà khoa học từng đoạt giải Nobel thực thụ.

Trong lĩnh vực Kinh tế, năm nay ban tổ chức Nobel ngốc nghếch trao cho nhóm ba nhà nghiên cứu gồm 2 người của New Zealand và một người Anh vì đã tập trung tìm kiếm “cá tính” của những viên đá.

Họ đã dày công tìm cách tìm hiểu quan niệm quảng bá cá tính của sản phẩm có ảnh hưởng thế nào đến các mẩu đá. Nghiên cứu của họ cho thấy khi người ta tiếp xúc với những viên đá thì người ta có thể tạo ra những đặc tính con người cho viên đá đó. Kết luận của họ: quan niệm cá tính trong sản phẩm phải được tiếp cận theo cách cẩn thận hơn vì đến đá còn bị tác động!

Theo Tuoitre