Trước ồn ào của dư luận trái chiều về việc Bộ GD-ĐT có kế hoạch thí điểm đưa chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm vào các trường, ngày 22/9, Bộ GD-ĐT giải thích, quy định “ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc.

Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất.

Ngoại ngữ thứ hai là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong những ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai.

Dạy và học tiếng Trung trong trường học

Về kế hoạch thực hiện chương trình tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, Bộ GD-ĐT giải thích việc này nằm trong nhiệm vụ nêu tại quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Ban quản lý Đề án cho biết thêm: "Hiện, tiếng Nga và Trung được dạy học như ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 6 đến lớp 12 theo chương trình hiện hành 7 năm.

Để đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất, Ban quản lý Đề án trình Bộ trưởng kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, từ lớp 3 tiểu học đến lớp 12 THPT cho phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay".

Việc chọn ngoại ngữ nào và dạy học theo hình thức bắt buộc (ngoại ngữ thứ nhất) hay tự chọn (ngoại ngữ thứ hai) tùy nhu cầu, điều kiện của địa phương, trường học, người học nên sẽ không xảy ra tình huống bị "chối bỏ" hay gặp phản ứng của dư luận.

Trong các trường THPT chuyên, tiếng Trung, tiếng Nga vẫn được giảng dạy bình thường. Riêng tiếng Trung Quốc hiện được dạy ở các tỉnh thành Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM.

Nếu được phê duyệt, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 sẽ phối hợp với các trường đại học, chuyên gia xây dựng chương trình tiếng Nga và tiếng Trung hệ 10 năm, từ năm học 2017-2018.

Việc thí điểm sẽ ở quy mô nhỏ, từ 2 đến 5 lớp mỗi ngoại ngữ. Điều này còn phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ, điều kiện của địa phương và nguyện vọng của người học.

Trước đó, đề án của Bộ GD-ĐT nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cụ thể, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học VN cho biết: "Việc làm này trong tương lai có thể được, không chỉ ngoại ngữ trên, nhưng hiện tại tôi thấy chưa hợp lí.

Cần có một khảo sát thực tế xem nguyện vọng của người học với ngoại ngữ này, tiếng Trung - đúng ra phải là tiếng Hán, tức là tiếng của dân tộc Hán được người Trung Quốc sử dụng là ngôn ngữ quốc gia.

Bây giờ cả thế giới dùng tiếng Anh và Việt Nam không phải ngoại lệ. Học tiếng nào rồi cũng phải quay về tiếng Anh.

Tất nhiên, với nhiều lĩnh vực, nhiều người, có thể chọn một ngoại ngữ chuyên sâu (Anh, Nga, Pháp, Trung, Tây Ban Nha...). Nhưng cho triển khai đại trà thì e rằng chưa phù hợp''.

Đồng tình quan điểm, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi đưa ra đề án nào cũng đều phải lắng nghe, chứ không nên cái gì cũng vội vàng thiếu có căn cứ, phải có ý kiến của xã hội, của các chuyên gia.

Còn PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, mọi quyết sách phải xuất phát từ thực tế. Ở đây phải xem xét tới nguyện vọng người học và khả năng đáp ứng nguyện vọng đó. Điều này liên quan tới cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hệ thống sách giáo khoa...

Tất cả đều mất thời gian khảo sát, phân tích, trao đổi chứ không thể làm trong một sớm một chiều.

"Nếu nóng vội, tôi e sẽ có nhiều hệ lụy khó lường. Mà môi trường giáo dục, chúng ta không thể lấy học sinh làm vật thí nghiệm khi chưa tính đến những cái được và mất", ông Tình nhấn mạnh.

Theo Đất Việt