Nhà trưng bày Khu Di tích Lịch sử đồi A Bia đi vào hoạt động góp phần phát huy tiềm năng du lịch ở Hồng Bắc. Ảnh: Bá Trí

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới - ông Lê Thanh Nam, trong quá trình thực hiện Nghị quyết TW4, Đảng ủy xã Hồng Bắc đã thực sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, khẩn trương khắc phục ngay một số khuyết điểm, hạn chế. Điểm đáng ghi nhận, Đảng ủy đã nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên trên cương vị của mình. Đồng thời, kiểm điểm làm rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển và bố trí cán bộ; khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là đối với người đứng đầu. Khi kiểm điểm, Đảng ủy tập trung làm rõ những hạn chế, yếu kém cụ thể nêu trong Nghị quyết để tìm ra giải pháp phù hợp, đồng bộ.

Ông Lê Minh Rói, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Bắc cho biết: Trong lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng ủy đã đề ra các chủ trương, giải pháp cụ thể đối với công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo cán bộ. trước đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy đã xây dựng phương án điều động, luân chuyển 3 cán bộ để kiện toàn các chức danh ban, ngành, đoàn thể. Cấp ủy cũng đã gửi đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị và hành chính 4 đồng chí, các lớp bồi dưỡng khác 13 đồng chí và 1 lớp dành cho cán bộ chủ chốt các tổ chức đoàn thể...

Đảng ủy xã cũng đổi mới quy trình lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thực tế cho thấy, sau quá trình đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI), Đảng bộ xã Hồng Bắc đã tăng cường phát huy dân chủ, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo QP-AN. Quy trình ban hành nghị quyết của các cấp ủy Đảng ngày càng chặt chẽ, đảm bảo phù hợp thực tế yêu cầu của địa phương. Nhiều nghị quyết chuyên đề được tổ chức thực hiện đem lại hiệu quả cao trong cuộc sống. Nổi bật là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, sản lượng. Các mô hình nuôi bò thương phẩm cũng đang ngày càng phát triển. Công tác tuyên truyền vận động Nhân dân phát triển các ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt Zeèng và phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch  theo hướng đa dạng hoá được tập trung đẩy mạnh, nhằm tăng tỷ trọng lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với định hướng phát triển ở địa phương.

Bà Kan Ruơh, gần 40 năm tuổi Đảng nhận xét: “Hầu hết những người đứng đầu các ban ngành, đoàn thể, chi ủy các chi bộ đã gương mẫu, thực sự cầu thị, thẳng thắn kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tự nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, các mặt công tác, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của xã đã chuyển biến rất tích cực”.

Bá Trí