Tác phẩm vừa được NXB Đại học Huế ấn hành, chia làm 2 phần chính: Phần 1 bàn về các trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX; phần 2 bàn về sự tiếp biến và vận dụng lý luận phê bình văn học phương Tây ở Việt Nam.

Khác với các cuốn sách và các tài liệu viết về cùng đề tài, cuốn sách này chọn một cách viết riêng. Bức tranh phong phú và đa dạng các trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây hiện đại hiện lên trong lối viết đối chiếu, so sánh các công trình kiểu Pháp, kiểu thực dụng Mỹ, kiểu triết – mỹ học, kiểu chiết trung… tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, nhiều quan điểm khác biệt nhưng lại bổ sung cho nhau một cách hài hòa. Có thể nói, cuốn sách này cũng là một dạng “phê bình của phê bình”.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (bên phải) tặng hoa chúc mừng PGS. TS. Bửu Nam

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhận định: “Trong thời đại thế giới bùng nổ các lý thuyết văn học, các trường phái từ châu Âu đến châu Mỹ không ngừng tranh luận, vừa đối thoại vừa đối đầu, phát triển đan xen hết sức phong phú đa dạng. Vì vậy, một công trình có tính chất hệ thống hóa, chỉ ra những tiêu điểm cần chú ý, từ đó soi rọi vào tiến trình vận dụng lý luận phê bình văn học phương Tây vào Việt Nam, nhất là ở thời kỳ đổi mới, là hết sức cần thiết và đáng quý”.

PGS. TS. Bửu Nam tên thật là Nguyễn Phước Bửu Nam. Ông là một trong những tên tuổi quen thuộc của Phong trào đô thị Huế trước 1975. Trước đây, ông từng tham gia Ban biên tập Tạp chí Sông Hương. Hiện ông là giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Huế, tham gia giảng dạy chuyên đề cho các lớp cao học về các trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây hiện đại, Thi pháp học hiện đại, Lý thuyết tiếp nhận văn học, xã hội học văn học… Ông đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, về nghiên cứu lý luận có: Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XX; Văn học so sánh, nghiên cứu và triển vọng; Văn học Âu Mỹ thế kỷ XX… PGS. TS. Bửu Nam còn làm thơ với bút danh Trần Hoàng Phố và đã xuất bản các tập thơ “Cõi nhân gian lạ lẫm”, “Quê quán tôi xưa”, “Bóng của con nhân sư”…

Trang Hiền