Trẻ em ở Afghanistan - một trong những nước kém phát triển nhất thế giới. Ảnh: Reuters

“Thiên tai, dịch bệnh, các tình huống xung đột và hậu xung đột, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu đang tiếp tục làm suy yếu tiến độ hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Eliasson nói với các nhà lãnh đạo từ 48 nước kém phát triển - gồm hơn 880 triệu người (khoảng 12% dân số thế giới) nhưng chỉ chiếm chưa tới 2% GDP toàn cầu.

“Các nước kém phát triển sẽ cần sự hỗ trợ mạnh mẽ để đa dạng hóa sản xuất, thúc đẩy thương mại và bảo vệ lợi ích phát triển từ những cú sốc bên ngoài”, Phó thổng thư ký Eliasson nhấn mạnh, đồng thời nhận định rằng, trừ khi tiến trình này tăng tốc đáng kể trong 5 năm tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực, nếu không sẽ không thể đạt được Chương trình hành động Istanbul vào năm 2021.

Chương trình được thông qua tại một cuộc họp của LHQ vào năm 2011, thiết lập một danh sách toàn bộ các mục tiêu cần đạt được của các nước kém phát triển vào năm 2021, bao gồm tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách tăng năng lực sản xuất, bồi dưỡng nhân lực và phát triển xã hội trong sự bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cùng như tăng cường nguồn lực tài chính và quản trị hiệu quả.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN & AP)