Giảm thiểu tác động

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại. Đây cũng là lĩnh vực thể hiện kết quả trực tiếp của công tác bảo tồn di sản. Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà DSVH Huế được quảng bá rộng rãi, tạo sức hút đối với du khách và góp phần phát triển du lịch dịch vụ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trao đổi với GS.TS Takeshi

PGS. TS Đặng Văn Bài (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho rằng, đồng thời với việc nhìn thấy những kết quả mà Thừa Thiên Huế đã làm hiệu quả khi giữ lại được một bộ phận di sản cung đình tương đối nguyên vẹn của Việt Nam và lấy DSVH làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của du lịch, chúng ta tham gia các công ước quốc tế thì phải nghiêm túc thực hiện các cam kết, đảm bảo bảo tồn di sản để làm mục tiêu phát triển, nhưng không vì phát triển mà hy sinh DSVH. “Xu thế chung bây giờ là người ta coi trọng các nhà đầu tư hơn DSVH. Đây là vấn nạn. Chúng ta cần thuyết phục để tạo sự thay đổi thông qua nhiều biện pháp khác nhau để thay đổi nhận thức của nhiều tầng lớp nhân dân về DSVH. DSVH cũng phải được coi như một loại tài nguyên thiên nhiên, nếu không được duy trì thì sẽ bị cạn kiệt. Giữa bảo tồn và phát triển, tuyệt đối không được thiên về bên nào, mà phải được song song cùng thực hiện”, PGS. TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, GS.TS Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), khẳng định Huế xứng đáng là một trong những trung tâm về quản lý và bảo vệ DSVH ở Việt Nam. Tuy nhiên, về các hoạt động phát triển dịch vụ tại khu di sản Huế hiện nay, TS. Trương Quốc Bình nói rõ: “Có mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn DSVH và sự phát triển. Tuy nhiên, chúng ta phải lường được những mặt tiêu cực của cơ chế thị trường và không thể nào vì lợi ích du lịch mà quên mất trách nhiệm bảo tồn di sản. Sự tiêu cực ấy len lỏi, có mặt trong mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu di sản. Thừa Thiên Huế phải có nhiều sáng kiến hơn nữa, đưa ra những giải pháp phù hợp để phát huy một cách triệt để kho tàng văn hóa này trên cơ sở bảo tồn được giá trị di sản.

Giữ nguyên bản càng nhiều càng tốt

Bảo tồn và trùng tu di tích là một trong những hoạt động cơ bản nhất của công tác bảo tồn di sản Huế những năm qua. Đã có khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ được đầu tư trùng tu, bảo tồn. Điều quan trọng là các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã công nhận và tham gia, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Trở lại Huế trong tháng 9 này, Giáo sư Takeshi Nakagawa (Giám đốc Viện Di sản Waseda, Nhật Bản) - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về bảo tồn và tái thiết di sản, tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn di tích. Đối với khu di sản Huế, Giáo sư từng có sự cộng tác với tư cách là nhà tư vấn về bảo tồn và trùng tu của UNESCO từ năm 1991, và đang là đối tác của Thừa Thiên Huế trong dự án tái thiết điện Cần Chánh. Từ sự gắn bó ấy, GS.TS Takeshi đánh giá rất cao kỹ thuật trùng tu di sản ở Huế, nhất là những kỹ thuật liên quan đến gỗ của Huế. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng liên quan đến quan điểm trùng tu di sản cũng được GS.TS Takeshi chia sẻ: “Các kỹ thuật gia ở Huế đang gặp phải một vấn đề là họ vẫn chưa quen và chưa thấm nhuần lắm với khái niệm quan trọng trong trùng tu, là phải giữ lại nguyên bản càng nhiều càng tốt, rất cần thiết thì mới phải thay mới”.

Theo GS. TS Takeshi, có nhiều nguyên nhân khiến một công trình kiến trúc di sản bị xuống cấp, hư hỏng, như: biến đổi khí hậu, thiên tai, chiến tranh, mối mọt… Mỗi khi trùng tu một di tích nào, cần phải có nhiều giải pháp kỹ thuật cùng phối hợp để thực hiện. Ở Việt Nam, nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực này chưa đạt đến tầm quốc tế. Điều quan trọng trong thời gian tới là Thừa Thiên Huế phải hợp tác quốc tế nhiều hơn nữa, tích lũy thêm kinh nghiệm để thực hiện thành công hơn nữa các mục tiêu về bảo tồn di sản.

ĐỒNG VĂN