Dù tôi ở cách trung tâm TP.Huế 7 cây số, nhưng bước ra ngõ là gặp ngay “người cho vay”. Đó là những lời mời chào “có cánh” được treo, dán  đầy gốc cây, cột điện, tường rào… 

Chỉ cần tín chấp

Trong vai một người có nhu cầu vay tiền, tôi gọi vào số điện thoại trên tờ rơi quảng cáo treo ở gốc cây tại ngã ba đường Hoài Thanh-Vũ Ngọc Phan thuộc phường Thủy Xuân-TP.Huế, một người nam tự giới thiệu tên Đ.-nhân viên của một công ty tài chính, trực thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank). Đ. hỏi tôi làm nghề gì, nhà ở đâu, đứng tên hóa đơn dịch vụ điện, nước bao nhiêu tiền...?

Người tiêu dùng nên vay qua kênh chính thống là ngân hàng

Rồi tư vấn, với hóa đơn tiền điện trên 300 ngàn đồng, tôi có thể vay từ 10-15 triệu đồng, thời hạn 1-3 năm, lãi suất thấp nhất là 14 ngàn đồng/triệu đồng/tháng và cao nhất là 29,5 ngàn đồng/1 triệu đồng/tháng. Theo tính toán giữa tôi và Đ., với mức lãi suất dao động từ 1.4-2.95%/tháng, cộng với khoản phí bảo hiểm tiền vay, nếu khách hàng vay 10 triệu đồng thời hạn 1 năm thì mỗi tháng sẽ trả gốc và lãi khoảng 1,1-1,5 triệu đồng.

Đ. tiếp tục tư vấn, trong trường hợp tôi có mua bảo hiểm nhân thọ trên 1 triệu đồng/tháng thì mức lãi suất khoảng 1.5%/tháng. Tôi hỏi vì sao lãi suất chênh lệch gần gấp đôi vậy? Đ. giải thích, nếu hóa đơn tiền điện 300 ngàn đồng/tháng thì người vay chỉ mới cơ bản đảm bảo cuộc sống, rủi ro trả nợ cao; còn có mua bảo hiểm nhân thọ chứng tỏ người vay có thu nhập khá, rủi ro sẽ ít hơn.

Làm việc cụ thể với HL.-nhân viên Công ty Tài chính FE Credit, tôi nhận được thông tin và tư vấn tương tự, song lãi suất cho vay dao động từ 1.5-2.1%/tháng và mức vay gấp 6-8 lần lương của khách hàng. HL. hướng dẫn thủ tục vay gồm: hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện, nước 3 tháng gần nhất.

HL. còn dặn dò, khi vay theo bảng lương, phải kèm theo hợp đồng lao động, hộ khẩu thường trú và lương tối thiểu trên 3 triệu đồng/tháng. Với mức vay khoảng 10 triệu đồng, nếu trả chậm 5 ngày phải đóng tiền phạt 150 ngàn đồng; trong khi Đ. nói trả tiền trễ hơn 3 ngày phạt 200 ngàn đồng.

Nhưng cả 2 nhân viên tín dụng này đều khuyên tôi đừng nên trả tiền trễ, sẽ bị đưa vào dạng nợ xấu, lần sau khó vay vì thông tin của tôi đều được lưu trên hệ thống “nhà băng”. Khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ thì Đ., HL. sẽ tới tận nhà nhận hồ sơ hoặc ở bất kỳ đâu, giờ nào cũng được, miễn là thuận tiện cho tôi.

Lãi cao ngất ngưởng

Ở khía cạnh nào đó, vay tiêu dùng tại các công ty tài chính có điểm tích cực là thủ tục nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh kể cả những món vay nhỏ lẻ; vay trả góp đang hấp dẫn những người có nhu cầu.

Quảng cáo cho vay tiền không cần thế chấp dán khắp nơi ở TP. Huế

Tuy nhiên, giám đốc một ngân hàng trên địa bàn phân tích: Đây là cách của các công ty tài chính cho vay tín chấp, chứ không phải của các ngân hàng thương mại cho vay tiêu dùng. Hình thức cho vay này cũng giống như cho vay mua sắm tại các cửa hàng điện máy, mua xe… với lãi suất cao (gấp 3-5 lần so với các ngân hàng). Chính vì thế, người vay tiền không thế chấp phải rất cân nhắc khả năng trả nợ, mức độ chịu đựng lãi suất của mình.

Hiện nay, nhân viên của các công ty tài chính xuống tận các trung tâm mua sắm, cửa hàng kinh doanh xe máy, ô tô, điện tử, hàng gia dụng, thậm chí ở các chợ Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc, Bến Ngự… để tư vấn trực tiếp hoặc thông qua các hình thức khác như điện thoại, tin nhắn, tờ rơi.

Nhiều người vay tiền đang bị nhầm lẫn giữa lãi suất ngân hàng với lãi suất vay tại công ty tài chính. Sản phẩm người tiêu dùng vay tại công ty tài chính có lãi suất rất cao so với lãi suất ngân hàng. Mô hình kinh doanh của công ty tài chính “liều” và mạo hiểm hơn, rủi ro cao hơn, lãi suất cũng cao hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Huế (VPbank Huế) khẳng định: Hiện Công ty Tài chính FE Credit trực thuộc VPbank “mẹ” - có hội sở ở TP.Hồ Chí Minh cho vay tiêu dùng, chủ yếu tín chấp. Tuy nhiên, FE Credit độc lập hoàn toàn với VPbank. Hình thức kinh doanh của công ty tài chính hoàn toàn khác với các ngân hàng thương mại truyền thống, trong đó có VPbank Huế.

Ông Nguyễn Tạ Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh Thừa Thiên Huế cho hay: Trên địa bàn tỉnh, bốn công ty tài chính: FE Credit, Hom credit, Zamata và HDbank, có đăng ký hình thức và địa điểm kinh doanh cho vay tiêu dùng tín chấp với NHNN. Riêng lãi suất cho vay, các công ty tài chính này thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với khách hàng, chứ NHNN không quản lý.

Bạch Quang

(Còn nữa)

Kỳ 2: “MUỐN NHANH… PHẢI TỪ TỪ”