Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ​. Ảnh: Reuters

Sau bốn năm đàm phán tại Havana, Tổng thống Santos, 65 tuổi, và nhà lãnh đạo phe cánh tả FARC với bí danh Timochenko, 57 tuổi, sẽ lần đầu tiên bắt tay nhau trên đất Colombia trước mặt các nhà lãnh đạo thế giới.

Hiệp ước này sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhất trong lịch sử châu Mỹ Latinh, đưa nhóm du kích FARC trở thành một đảng chính trị trên chính trường thay vì tiến hành các cuộc tấn công trên các chiến trường đã chiếm đóng từ năm 1964.

Khoảng 2.500 quan chức trong và ngoài nước sẽ tham dự buổi lễ ở thành phố thuộc địa của Cartagena, nơi xuất hiện nhiều biển quảng cáo khổng lồ kêu gọi người dân Colombia chấp nhận kế hoạch hòa bình.

"Tôi không thể tin rằng ngày này cuối cùng cũng đến, hòa bình đã đến Colombia", ông Juan Gamarra, 43 tuổi, bán đồ trang sức trong thành phố phấn khích.

Quan khách tham dự bao gồm người đứng đầu Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch Cuba Raul Castro, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các nạn nhân của cuộc xung đột.

Mặc dù thoả thuận này có thể giúp chấm dứt cảnh đổ máu và nạn bắt cóc trong các thập kỷ qua, nhưng nó cũng gây chia rẽ trong nền kinh tế lớn thứ 4 của Mỹ Latinh.

Một số người, trong đó có những người chịu ảnh hưởng từ cựu Tổng thống Alvaro Uribe, đang tức giận khi phiến quân có thể bước chân vào đại hội mà hề bị tù.

Thỏa thuận này phải được phê chuẩn trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 2/10 tới, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy nó sẽ vượt qua một cách dễ dàng.

Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) - ban đầu là một cuộc nổi dậy của nông dân, trở thành lực lượng lớn trong việc buôn bán cocaine và có quân số lên tới hơn 20.000 người trong thời kỳ hoạt động mạnh nhất -  cho biết sẽ bàn giao vũ khí cho LHQ trong vòng 180 ngày.

"Đây là một ngày quan trọng - chúng ta có thể cạnh tranh chính trị, không có máu, không có chiến tranh", Duvier, một kẻ nổi loạn 25 tuổi tham dự hội nghị FARC tuần  trước nhận định.

Colombia hiện đang lo lắng về cách 7.000 phiến quân còn lại hoà nhập vào xã hội, nhưng hầu hết đều lạc quan tin rằng, hòa bình sẽ mang lại nhiều tích cực hơn là những khó khăn.

Nền kinh tế của Colombia có mối quan hệ tốt với các nước láng giềng trong những năm gần đây, và hòa bình sẽ giúp làm giảm chi phí an ninh, tạo ra các khu vực mới mở cửa cho các công ty khai thác mỏ và dầu.

Tố Quyên (Lược dịch từ Indiatimes & Abcnews)