Khoảng 11 giờ ngày 27/6/2016, một phụ nữ ở số nhà 3/41 đường Lê Quý Đôn, TP.. Huế phát hiện có tiếng rên nhỏ phía đường cống thoát nước. Qua kiểm tra, phát hiện một người đàn ông đang trong tình trạng kiệt sức kẹt dưới đường cống của nhà họ và ngôi nhà tiếp giáp nên thử kéo lên nhưng không được. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh cùng Trung tâm Cấp cứu 115 của tỉnh đã điều động nhân lực, phương tiện thuốc men đến hiện trường, đập tường, phá vách mới tiếp cận, cứu được nạn nhân và đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

Thượng úy Lê Văn Kỳ (bìa phải) tham gia chữa cháy tại Ký túc xá Trường Bia

Thượng úy Lê Văn Kỳ cùng đồng đội khéo léo đưa nạn nhân Phan Văn V. (47 tuổi, trú đường Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, TP. Huế - một người có tiểu sử bệnh loạn thần) bị mắc kẹt hơn 12 giờ tại cống thoát nước ra ngoài kịp thời sơ cấp cứu qua cơn nguy kịch. Đây chỉ là một trong khoảng 10 nạn nhân được thượng úy Lê Văn Kỳ trực tiếp cứu sống. Anh tâm sự, gần 10 năm thâm niên trong nghề, anh đã cùng đồng đội tham gia chữa cháy và giải cứu gần 100 vụ việc, với nhiều người bị kẹt trong hầm khí độc, nhà cháy, cống thoát nước, xe ô tô bị tai nạn giao thông, đuối nước…

Kỷ niệm anh không bao giờ quên đó là vụ cứu hộ, cứu nạn tại Công ty cổ phần V. Ph. chuyên sản xuất giấy ở Khu công nghiệp Phú Bài, TX. Hương Thủy. Vào lúc 10 giờ 20 ngày 11/4/2014, thượng úy Lê Văn Kỳ cùng đồng đội nhận được thông tin tại công ty này vừa xảy ra một vụ ngạt khí độc tại hầm lọc bột giấy khiến 6 công nhân đang làm việc bị bất tỉnh và mắc kẹt trong hầm. Trước tình huống đòi hỏi người lính cứu nạn phải xử lý nhanh, anh đã cùng đồng đội sử dụng trang thiết bị bảo hộ cùng các phương tiện sơ cứu, bất chấp nguy hiểm chui vào hầm nhanh chóng đưa các nạn nhân lên. Khoảng 30 phút sau khi triển khai, tổ công tác đã cứu được 6 nạn nhân kịp thời sơ cứu qua cơn nguy kịch và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Là một người lính trẻ, chưa được đào tạo chuyên sâu công tác cứu nạn, cứu hộ, cộng với phương tiện kỹ thuật cứu nạn, cứu hộ chưa hiện đại nên anh phải nỗ lực trong từng tình huống, tỉ mỉ trong từng hành động, cẩn trọng trong từng nhiệm vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho Nhân dân.

Thượng úy Lê Văn Kỳ còn là “cây phong trào” trong mọi hoạt động đoàn. Là Bí thư Chi đoàn, anh tập hợp đoàn viên thanh niên, đoàn kết tham gia tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào tình nghĩa xung kích vì cộng đồng. Nổi bật là tích cực tham gia chương trình “Em làm lính chữa cháy” với mục đích giúp các em nhỏ có những kỹ năng an toàn, có thể tự cứu mình trong những tình huống khẩn cấp. 

Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, thượng úy Lê Văn Kỳ đã được UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Bên cạnh đó, những bức thư cảm ơn, khen ngợi từ những người do anh cứu giúp gửi về chính là nguồn động viên, khích lệ lớn lao giúp anh thêm yêu công việc của mình.  “Với tư duy năng động, vượt khó, luôn tìm tòi, tiếp thu khoa học kỹ thuật, dũng cảm trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn, thượng úy Lê Văn Kỳ xứng đáng là tấm gương Cảnh sát PCCC trẻ tiêu biểu cho đoàn viên thanh niên học tập, noi theo”- đại tá Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh khẳng định. 

THÁI BÌNH- NGÔ PHƯƠNG