Không thể lấy cái cũ
Theo ông Lê Hữu Minh, việc xây dựng lô gô là cấp thiết, ngay trong năm nay sở sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nếu lô gô mới chưa thiết kế, phê duyệt xong, sẽ lấy lại lô gô của TP. Huế để sử dụng.
Lô gô TP. Huế không phù hợp khi sử dụng cho ngành du lịch (Ảnh tư liệu).
Gần đây, Văn phòng Sở Du lịch thông tin, phương án thiết kế mới lô gô và tổ chức cuộc thi trong năm nay không thể triển khai kịp. Tổ chức thi thiết kế lô gô đã có chủ trương, nhưng đó mới là thống nhất chứ chưa có văn bản và kế hoạch cụ thể. Cuộc thi này vẫn chưa xác định được đơn vị tổ chức là Sở Du lịch hay Trung tâm Xúc tiến Du lịch. Từ đây đến cuối năm, chỉ còn 3 tháng nên nhiều khả năng phải sang năm 2017 mới có thể thực hiện.
Để giải quyết nhu cầu, nhiều khả năng Sở Du lịch sẽ lấy lại lô gô của TP. Huế để sử dụng cho ngành du lịch. Tuy nhiên, khi ý kiến này đưa ra, các doanh nghiệp đa số đều phản đối, cho rằng, đây là giải pháp không khả thi, không giúp gì cho du lịch Huế. Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế, phân tích: “Xây dựng một lô gô phải xuất phát từ ý tưởng, là hình ảnh đại diện mà ở đó thể hiện được định hướng thương hiệu hiện tại và tương lai. Chúng tôi không chê các lô gô được hình thành trước đó, nhưng lấy lại là không phù hợp, làm cho nhiều người nhầm lẫn giữa các thương hiệu với nhau. Quan trọng phải có một cái mới, dễ nhận biết, dễ nhớ, có tầm nhìn”.
ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch, Sở Du lịch cho hay, lô gô chẳng khác gì chữ ký của con người. Nó thể hiện cái “tôi” riêng và gắn bó xuyên suốt cả cuộc đời. Nhìn thấy lô gô, chỉ có thể nói đó là Huế chứ không phải bất kỳ địa phương nào khác. Nếu sử dụng lô gô của TP. Huế, cái được không bằng cái mất. Lô gô này đã gắn với TP. Huế, không giống với lô gô du lịch vì nội hàm hoàn toàn khác nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, lô gô du lịch phải thể hiện được tất cả các sản phẩm nhưng Huế có quá nhiều sản phẩm. Điều này dễ dẫn đến sự rối rắm hình ảnh. Phải xác định được hình ảnh đặc trưng và sự định hướng phát triển sản phẩm chủ lực sẽ quyết định khi xây dựng một lô gô mới.
Lép vế vì chưa có lô gô
Theo ông Trần Viết Lực, tổ chức các cuộc thi chưa chắc có thể tìm ra được lô gô. Năm 2013, khi đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tổ chức một cuộc thi. Qua vòng sơ khảo, còn lại một số lô gô, nhưng khi đưa ra hội đồng đánh giá thì không có cái nào đáp ứng yêu cầu. Sau đó, vào hai năm 2014 và 2015, sở đặt thiết kế ở hai đơn vị, ĐH Nghệ thuật và một đơn vị thiết kế ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiều mẫu được đưa ra, nhưng cuối cùng vẫn không “chốt” được.
Thừa Thiên Huế tham gia Hội chợ du lịch Quốc tế Đà Nẵng năm 2016.
Một tiêu chí đặt ra đang gây khó khi xây dựng và chọn lô gô mới, đó là thiết kế lô gô phải dựa trên slogan của Huế “Một quê hương hạnh phúc”. Điều này dẫn đến khi thiết kế xong, nó không thể hiện được tính định hướng phát triển của lô gô. “Lô gô là hình ảnh không thể thay đổi, còn slogan có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào từng chặng đường của phát triển. Sở đang có kế hoạch xây dựng slogan cho du lịch là “Kinh đô xưa, trải nghiệm mới”. Khi thiết kế lô gô mà đặt tiêu chí phải thể hiện được nội dung của slogan này thì vô cùng khó. Một kinh đô Huế với những hình ảnh đặc trưng kết hợp với những trải nghiệm mới thì rất khó để đưa vào hết trong đó”, ông Trần Viết Lực cho biết.
Việc chưa có lô gô không chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của một ngành kinh tế mang tính thương hiệu cao như du lịch, mà còn gây khó khăn khi quảng bá. Một cán bộ quản lý du lịch Huế tâm sự, mỗi lần hội nghị, hội thảo, địa phương nào cũng có lô gô để quảng bá du lịch, Huế lại không nên khi nào cũng lép vế. Những lúc vậy, thật buồn cho du lịch Huế |
Đức Quang