Khó cấm

Trước mắt, UBND TP. Huế quy định về đốt rải vàng mã nhằm gắn trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong việc tuyên truyền, vận động người dân dần thay đổi cách đốt vàng mã, bằng việc đốt trong thùng thay vì đốt vào gốc cây, lòng đường, vỉa hè, khói bụi mù mịt, ảnh hưởng đến môi trường và người đi đường như hiện nay.

Công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế vớt vàng mã trên sông Hương

Không phải từ bây giờ, mà cách đây khá lâu, khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 56 về việc cấm rải vàng mã khi đưa tang ở một số tuyến đường cũng đã đề cập đến việc thay đổi thói quen, hành vi đốt rải vàng mã của người dân, song dường như việc này chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Sau đó, UBMTTQVN TP. Huế tổ chức hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Huế, các chuyên gia, cơ quan ban ngành để bàn luận về nguồn gốc xuất xứ của vàng mã và các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ngày càng gia tăng và biến tướng của việc đốt rải vàng mã theo hướng mê tín dị đoan, nhưng xem ra việc này cũng mới chỉ dừng lại ở hội thảo.

Không khó để bắt gặp những đám tang đi qua, vàng mã, tiền lẻ Việt Nam rải đầy đường. Ngày rằm, mùng một nhà nhà đốt vàng mã. Các con sông như An Cựu, sông Hương, Ngự Hà đâu đâu cũng có người đứng thả vàng mã xuống sông. Chỉ tiếc là, quy định đã có, song việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt lâu nay dường như chưa được thực hiện.

Không thể cứ tuyên truyền, vận động

Lãnh đạo TP. Huế cho rằng, quy định mới ban hành nên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ tang lễ. Sau khi triển khai các bước này, nếu các chủ dịch vụ tang lễ để xảy ra tình trạng rải vàng mã khi đưa tang sẽ tiến hành xử phạt và phạt cả gia chủ sau khi kết thúc đám tang.

TP. Huế cũng đã giao các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai quy định, trong đó, trọng tâm là Công an TP. Huế bằng việc chỉ đạo các đội nghiệp vụ cảnh sát giao thông, môi trường, công an phường… tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền người dân đốt vàng mã đúng nơi quy định, đốt vào thùng và không rải vàng mã khi đưa tang.

Các cơ quan khác, như Phòng Văn hóa thông tin TP. Huế, Đài Truyền thanh TP. Huế, Trung tâm Văn hóa TP. Huế… cũng được giao những nhiệm vụ cụ thể, song nhiệm vụ chung nhất vẫn là hướng đến việc tuyên truyền, vận động.

Cái cần ở đây không chỉ là vận động, tuyên truyền mà phải là cơ chế xử phạt, khen thưởng cụ thể khi đã có quy định. Nếu chỉ dừng lại ở mức vận động, nhắc nhở, tuyên truyền chắc chắn hiệu quả sẽ không cao và người dân sẽ “nhờn” không chấp hành.

Riêng việc xử phạt, khi trao đổi với lãnh đạo TP. Huế, chúng tôi nhận câu trả lời được áp dụng ngay khi văn bản được ban hành, có hiệu lực và áp dụng cho tất cả các đối tượng, từ cán bộ, đảng viên đến người dân, song đến nay vẫn chưa xử lý trường hợp nào. Việc triển khai quy định về các địa phương mới được vài phường thực hiện và chỉ ở mức nêu, đọc ở các cuộc họp. Công tác kiểm tra, giám sát sau triển khai thực hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Vấn đề này cũng được các nhà báo đề cập trong cuộc họp báo mới đây do UBND TP. Huế tổ chức. Đa số ý kiến cho rằng, nên có quy định cấm đối với những cơ sở sản xuất. Nếu chặn từ gốc, hiệu quả sẽ cao hơn. Thế nhưng, theo lãnh đạo TP. Huế việc này khó thực hiện, bởi người dân được quyền sản xuất, kinh doanh những mặt hàng Nhà nước không cấm. Do đó, cách mà TP. Huế áp dụng và lý giải là tuyên truyền, vận động để người dân hạn chế tiến tới không đốt, rải vàng mã, theo phương châm: “Cầu giảm cung sẽ tự tiêu”. Tuy nhiên, với cách làm chưa đủ sức răn đe, còn nặng tính lý thuyết như hiện nay, việc đó ắt không dễ.

Bài, ảnh: Tâm Huệ