Anh Sỹ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, phát triển đàn dê khỏe mạnh

Ngôi nhà của gia đình anh Sỹ nằm trên triền dốc, yên bình trong cái nắng ban trưa ấm áp ngày cuối thu, giữa vườn cỏ khá rộng. Đó là vườn cỏ làm thức ăn dự trữ cho đàn dê. Băng qua vườn cỏ, anh Sỹ dẫn chúng tôi đến khu chuồng nơi những chú dê đang đứng trên “tầng hai” nhốn nháo đòi ra ngoài. Đó là tầm thời gian vợ chồng anh Sỹ mở cửa chuồng lùa dê đi chăn. Người đàn ông dân tộc Pa Cô tuổi 35 mặt mũi sạm nắng, nhưng nụ cười thì “hết cỡ”. Trước đây vợ chồng anh Sỹ cũng từng nuôi dê, nuôi heo, nhưng chỉ “nuôi chay”, không hề biết kỹ thuật khoa học về chăm sóc và chữa bệnh cho “bọn nó”. Vậy là còi cọc, bệnh tật, chết. Mỗi lần dê hoặc heo chết là thêm một lần vợ chồng anh thâm vốn. Khó khăn càng khó khăn hơn.

Khi nhận cặp dê giống từ tay BĐBP, anh Sỹ đâu dám nghĩ rằng, chỉ hai năm sau vợ chồng anh có đàn dê 27 con. “Giao dê cho vợ chồng tôi, mấy anh BĐBP tận tình chỉ cách nuôi, cách chăm sóc để dê nhanh lớn, không bị bệnh. Việc chăn nuôi không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người”. Nghe theo lời khuyên, vợ chồng anh Sỹ phá luôn cái chuồng lâu nay làm sát nhà ở, đảm bảo vệ sinh cho các thành viên trong gia đình. Khu chuồng mới phía cuối vườn cỏ được nâng lên. Có nghĩa, anh Sỹ làm sàn bằng những tấm ván cách mặt đất vài mươi phân để dê có chỗ ngủ sạch sẽ, hạn chế dịch bệnh.

Thắc mắc tại sao giờ này gia đình mới thả dê, anh Sỹ hào hứng: “Hồi trước chúng tôi cũng thả dê từ sáng sớm mà không biết rằng sương muối buổi sáng rất độc, có thể làm dê nhiễm bệnh, dễ chết. Nghe theo sự hướng dẫn của BĐBP, buổi sáng trước khi đi làm, chúng tôi cắt một ít cỏ cho dê ăn lót, như thể chúng ta ăn lót dạ. Dê “ấm bụng” rồi cứ “yên tâm” chờ đến trưa, lúc sương muối tan hoàn toàn, chúng tôi mới mở cửa chuồng, dắt đi ăn”. Có lúc dê bị lở mồm long móng, vợ chồng anh Sỹ làm theo cách BĐBP chỉ cho, đó là giã nát quả khế vắt lấy nước hoặc vắt nước cốt trái chanh để chữa...

Làm chuồng trại, chăm sóc một cách khoa học, đồng thời áp dụng tốt kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, cặp dê giống ban đầu được nhân lên nhanh chóng, hiệu quả. Không chỉ vậy, nguồn chất thải của đàn dê được đưa xuống hố ủ làm phân bón vi sinh, phục vụ việc trồng trọt. “Áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, nhận thấy dê không bệnh, phát triển nhanh, vợ chồng tôi mạnh dạn gom tiền mua thêm giống. Dê đến lúc bán được chúng tôi bán bớt lấy tiền phục vụ nhu cầu mua sắm vật dụng trong nhà, phục vụ cuộc sống. Ngày trước bữa cơm của vợ chồng con cái “tà lục tà lại” (có gì ăn nấy). Nhưng bây giờ từ thu nhập bán dê, vợ chồng tôi có tiền mua đủ gạo ăn, mua thực phẩm từ những người bán hàng rong ở thị trấn đến. Con cái đi học có đủ quần áo ấm, sách vở... Gia đình cũng đã sử dụng nồi cơm điện, bếp gas. Vợ chồng đi nương, rẫy về nấu một bữa cơm nhanh và tiện lắm.   

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, ở một nơi còn heo hút, cuộc sống của người dân còn lạc hậu, khó khăn như xã Hồng Thủy, gia đình anh Sỹ dám áp dụng kỹ thuật khoa học trong chăn nuôi, phát triển kinh tế có hiệu quả là rất đáng được ghi nhận. Đáng mừng hơn, nhiều bà con trong thôn cũng đang học làm theo.

 Bài, ảnh:  Quỳnh Anh