Không phải ai cũng hào hứng khi biết thông tin một bé trai có “1 cha 2 mẹ” ra đời khỏe mạnh - được công bố trong một công trình nghiên cứu mới đăng trên tạp chí khoa học Fertility and Sterility hôm 27/9. Em bé này sinh ngày 6/4/2016 ở Mexico nhờ phương pháp mới kết hợp ADN của 3 người - cha mẹ bé (người Jordan) và người hiến tặng trứng.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học tạo ra những em bé có ADN của 3 người nhưng kỹ thuật nêu trên là phương pháp hoàn toàn mới.
Bác sĩ John Zhang và em bé “1 cha 2 mẹ” Ảnh: NEW SCIENTIST
Theo hãng tin AP, mẹ của em bé nói trên mang gien mắc hội chứng Leigh - một chứng rối loạn thần kinh nghiêm trọng có thể gây tử vong. Hội chứng này khiến bà hư thai 4 lần và mất 2 đứa con khi chúng mới 8 tháng tuổi và 6 tuổi. Vì thế, một nhóm bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật mới nhằm giúp đứa trẻ sinh ra không thừa hưởng căn bệnh chết người từ mẹ.
Cụ thể, họ loại bỏ nhân ở trứng của người hiến tặng và sau đó lấy nhân từ trứng của người mẹ chèn vào. Trứng mới này - có nhân mang ADN của người mẹ và ADN ti thể của người hiến tặng - được thụ tinh với tinh trùng của người bố.
Theo báo The Guardian (Anh), các chuyên gia Mỹ đã tạo ra 5 phôi thai nhưng chỉ một phôi phát triển bình thường. Nó được cấy vào cơ thể người mẹ và em bé chào đời với tỉ lệ ADN từ người hiến tặng là rất nhỏ.
Các chuyên gia cho rằng kỹ thuật trên mở ra một kỷ nguyên mới về y học và giúp các cặp đôi có những đột biến gien hiếm gặp có thể sinh con khỏe mạnh. Cho đến giờ, chỉ có Anh hợp pháp hóa chuyện tạo ra đứa trẻ từ 3 người (năm 2015) nhưng sử dụng một kỹ thuật khác.
Trong khi đó, phương pháp mới kể trên đang bị cấm triệt để tại Mỹ vì những tranh cãi quanh vấn đề đạo đức và an toàn. Đó là lý do toàn bộ quá trình trên được thực hiện ở Mexico. Tiến sĩ John Zhang, Giám đốc y khoa Trung tâm Sinh sản New Hope Fertility Center ở TP New York - Mỹ, người phụ trách kỹ thuật mới, tuyên bố: “Cứu vớt sinh mạng con người là việc đạo đức phải làm”.
Tranh cãi là điều khó tránh. “Chúng ta biết rằng phương pháp đó không hoàn hảo” - bác sĩ David J Clancy, giảng viên Trường ĐH Lancaster, nhận định. Ông cũng lo ngại một đứa trẻ khỏe mạnh cuối cùng vẫn có thể phát triển một căn bệnh nào đó.
Ông Henry Greely, chuyên gia tại Trung tâm Luật pháp và Sinh học tại Trường ĐH Stanford (Mỹ), cho biết ông không thấy điều gì sai trái khi sử dụng kỹ thuật trên nếu nó an toàn và nhằm ngăn chặn bệnh tật từ các ADN bị lỗi. Tuy nhiên, ông gọi cuộc nghiên cứu tạo ra em bé “1 cha 2 mẹ” như kể trên là trái luân thường đạo lý, không khôn ngoan và thiếu đạo đức. Theo ông, phương pháp đó không đủ an toàn để tạo ra một đứa trẻ.
Chuyên gia Bert Smeets, Trường ĐH Maastricht (Hà Lan), nhấn mạnh cần phải đánh giá một cách thận trọng cũng như phải chờ đợi thêm các ca sinh khác nữa.
Giáo sư Darren Griffin, chuyên gia di truyền học ở Trường ĐH Kent (Anh), đánh giá công trình nghiên cứu trên báo trước một kỷ nguyên mới về di truyền học và mang đến một phương pháp điều trị cho các gia đình có nguy cơ truyền bệnh di truyền. Dù thừa nhận kỹ thuật điều trị này chắc chắn vấp phải không ít chỉ trích về vấn đề đạo đức nhưng ông cho rằng nên cân bằng giữa nỗi lo và nhu cầu của những gia đình cần nó.
Theo Danviet