Đến thời điểm này, Pokemon Go không còn hứng thú với người chơi như trước đó
Không còn hứng thú
Công viên dưới chân cầu Trường Tiền (đường Lê Lợi), dọc phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu từng là “thủ phủ” của giới trẻ đam mê chơi game Pokemon Go với hàng ngàn lượt người đến đây để săn Pokemon. Thế nhưng, chỉ sau gần 3 tháng, khu vực này vắng dần, người chơi giảm rõ ràng, không còn đông đúc như trước. Anh Nguyễn Quốc Huy (nhân viên một công ty tin học TP. Huế) kể, khi game Pokemon Go vừa mới đến Huế, anh cùng nhiều bạn bè lập tức hưởng ứng, tải ứng dụng này về chơi. Trung bình, mỗi ngày dành 5-6 tiếng lao đầu đi “săn” Pokemon. “Chỉ chơi được chừng hơn tháng thì ai cũng hết hứng thú, lý do bận rộn với công việc, rồi dành thời gian cho gia đình, không có nhiều thời gian rảnh để chơi nên đến giờ ai cũng bỏ”, anh Huy cho hay.
Chị Diệu Hương (nhân viên kinh doanh ở một công ty trên đường Hùng Vương, TP. Huế) cho biết, lúc đầu chơi thì thấy game này vui vì tính tương tác cao, không phân biệt độ tuổi, giới tính người chơi như các game khác. Và, chơi bởi thấy ai cũng chơi, chơi theo kiểu phong trào, phần nữa vì được đóng vai đi săn như bộ phim hoạt hình đã ăn sâu vào máu lúc nhỏ. Tuy nhiên, chị Hương khẳng định: “Chỉ chơi theo trào lưu để trải nghiệm” nên khi phong trào hết, tôi cũng không còn “mặn mà” với Pokemon Go nữa”.
Cảnh báo nhiều nguy hiểm Ứng dụng game Pokemon Go ra đời đầu tiên tại Mỹ vào đầu tháng 7/2016 và trở thành game di động ăn khách nhất mọi thời đại tại Mỹ và “làm mưa làm gió” ở nhiều quốc gia. Ngay khi du nhập vào Việt Nam, bên cạnh yếu tố mang tính giải trí, giúp người chơi di chuyển nhiều thì Pokemon Go cũng vấp phải một số phản đối bởi mặt trái. Khi cuốn hút người chơi ở môi trường ảo xa vời với thực tế, làm mất thời gian dẫn đến việc xao nhãng học tập, làm việc. Đi săn Pokemon đồng nghĩa phải bật định vị trên điện thoại, tạo điều kiện cho hacker có thể theo dõi mọi vị trí bạn di chuyển trong quá trình chơi, tiếp đến kết nối với các thông tin cá nhân thông qua địa chỉ email và khai thác chúng cho các mục đích xấu. Nghiện game này còn dẫn đến các bệnh về mắt, hư pin điện thoại nhanh, mức độ tập trung cũng dễ gây ra tai nạn, bị cướp giật trên đường đi. |
Một trong những giới đam mê game này nhiều nhất khi vừa mới ra đời đó là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Nhiều công viên từng được ví như “game trường” bởi lượng học sinh, sinh viên đổ về đó để “săn” đến mất ăn, mất ngủ. Gặp lại Vĩnh Hoàng (sinh viên một trường ĐH), một tay “săn” nổi tiếng trò chơi này, hỏi mới biết Hoàng đã hết chơi game Pokemon hơn một tháng nay. Lí giải về việc “giã từ” game từng “hot” này, Hoàng cho rằng, ban đầu chơi Pokemon Go bởi sự nóng sốt theo phong trào trên mạng, tò mò muốn biết chuyện ra sao nên mới chơi thử. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn, khi đã trở nên quen thuộc và hiểu rõ về trò chơi mới biết khá nhàm chán, không có gì sáng tạo. Từ đó, nhiều người đã gỡ bỏ Pokemon Go khỏi điện thoại vì “không muốn phí phạm thời gian”.
Nhiều lý do
Một số liệu từ công ty chuyên theo dõi ứng dụng di động Slice Intelligence, số người chơi trả tiền cho ứng dụng Pokemon Go tại Mỹ đã giảm đến 80% so với thời đỉnh điểm hồi giữa tháng 7. Riêng tại Việt Nam nói chung và Huế nói riêng, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng qua quan sát, nhiều người có thể thấy rằng độ “hot” của Pokemon Go giảm mạnh so với thời điểm vừa ra đời cách đây 3 tháng. Nhiều trang web, trang mạng xã hội từng kêu gọi người chơi “đồng hành” cho đến những “trạm dừng” thực tế cũng giảm trầm trọng.
Theo tìm hiểu một số chuyên gia công nghệ thông tin và ứng dụng di động, việc Pokemon Go không còn hứng thú cũng là chuyện bình thường, dù nó nắm nhiều kỉ lục thế giới bởi sức hấp dẫn ban đầu.Ông Nguyễn Hữu Thành Nam, cán bộ Phòng Nghiên cứu triển khai ứng dụng Trung Tâm CNTT tỉnh cho rằng, đa số các sản phẩm game điều có vòng đời nhất định. Khi đạt đến đỉnh nhưng trò chơi đó không có gì mới, không gây được hứng thú với người chơi thì sẽ rơi vào cảnh “bơ vơ”.
Riêng với Pokemon Go, việc sụt giảm người chơi là do trò chơi đã không nằm trong xu hướng “hot” nữa. Ngoài ra, trò chơi này đòi hỏi người chơi phải tương tác thực với bên ngoài nên sẽ làm mất thời gian của nhiều người khiến họ không có nhiều thời giờ dành cho trò chơi. Riêng tại Huế, giới chơi game có thể sử dụng máy tính hay công cụ khác để chơi mà không cần ra ngoài, đỡ tốn kém thời gian. “Người chơi thích những game có tính tương tác, chơi được ở môi trường bên trong. Việc Pokemon Go sau một thời gian tồn tại cho thấy không thích hợp với người chơi”, ông Nam nhận định.
Bài, ảnh: PHAN THÀNH