Vì rượu

Trong làng, ai cũng xuýt xoa “nhà ông Nam” có phước. Chuyện là lúc vợ chồng ông Nam “soạn” ra, xây lại căn nhà thì nào là con trai, con rể (ở loanh quanh trong làng) đều xúm vào giúp. Người nhà đông, làm tận tình từ sáng sớm đến tối mịt nên chẳng mấy chốc nhà mới của vợ chồng ông đã “hòm hòm”, tính chỉ dăm bữa nửa tháng là hoàn thành. Vậy nên chiều tối hôm đó, mấy anh em làm một bữa rượu ngay giữa chiếc sân rộng thênh, rôm rả chuyện đông chuyện tây cười nói vui vẻ. Nhìn chai rượu đã cạn, chồng cô út bảo vợ đi mua thêm. Cô út ậm ừ: “Mấy anh uống chừng đó được rồi, ăn chút gì vô cho chắc bụng, về nghỉ ngơi, mai còn có sức qua làm tiếp...” Mấy anh đàn ông gạt phắt: “Con này, bảo mi đi mua thì cứ đi, nhiều chuyện. Miễn sao ngày mai công việc vẫn chạy tốt là được”. Vợ chồng ông Nam cũng góp: “Thôi thì anh em chúng nó đang vui, cho chúng nó vui thêm chút nữa rồi về ngủ cũng được. Nhà quanh đây cả, hoặc nếu có mệt thì ngủ lại nhà ba mẹ luôn, có gì lo!” Vậy là thêm lít rượu trắng.
 
Nhưng, càng cụng ly, “zô” chừng nào, không khí cuộc vui càng chệch choạc. Giọng người nào người nấy nhừa nhựa, lè nhè. Đến chừng 10 giờ khuya, vợ chồng ông Nam gọi cả nhà vào ngủ. Hai anh con trai và một anh con rể khác “tuân lệnh”, còn người con trai thứ ba và chàng rể út của cứ dạ dạ ừ ừ nhưng vì đang “tranh luận” những việc chẳng đâu vào đâu nên chưa chịu rời mâm rượu. Thấy vậy, vợ chồng ông Nam đành mặc kệ. Chỉ có cô út vẫn phải lè kè bên chồng, ý chừng “canh”, không để xảy ra chuyện gì không hay.
 
Đúng như lo ngại của cô út, khi cả nhà đã ngủ say, chồng cô và người anh trai bắt đầu to tiếng. Ma men khiến họ như... điên, vừa cãi cọ vừa động tay động chân. Lúc thấy chồng chạy xuống bếp quơ cây dao gọt trái cây xáp vào anh trai, cô hoảng hốt xông vào giữa hai người can ngăn và vùng ngực trái cô lãnh trọn nhát dao đâm tới. Người phụ nữ bất hạnh ngã gục xuống. Lúc này, cả chồng và anh trai cô tỉnh cơn say. Cả nhà ông Nam náo loạn vì hốt hoảng. Cô út được đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng tất cả đã quá muộn.
Đắng
 
Vợ chồng ông Nam, những người con trai con gái, đặc biệt là chàng rể đang ngồi ghế bị cáo trong phòng xét xử, dường như không ai còn nước mắt. Ắt hẳn, tâm trạng họ đang bị giằng xé bởi những nỗi đau đắng ngắt. Trong đám đông có mặt tại phiên toà, có người chép miệng: “Nhà đó đang đầm ấm, ông bà Nam đang có phước vậy, không ngờ lại ra nông nỗi. Mấy đứa cháu mồ côi. Chỉ vì ma men mà tan hoang hết...”
 
Ai cũng biết, thực ra thì cô út chết oan. Nhưng nếu cô không “hứng” thì nhát dao oan nghiệt ấy có thể sẽ cướp đi cuộc sống của người anh ruột. Từ lúc cô út chết đến nay (và có lẽ mãi mãi sau này), nỗi ân hận của những người trong gia đình không giây phút nào nguôi. Giá như lúc đó, họ nghe theo lời khuyên của cô út, giá như vợ chồng ông Nam không “thả lỏng”, đặc biệt, những người trong cuộc biết dừng đúng “lúc”, thì hậu quả đau lòng không thể xảy ra.
 
Chủ tọa phiên toà cho phép bị cáo nói lời thỉnh cầu sau cùng. Mặt dường như gục xuống chiếc vành móng ngựa, anh ta thiểu não: “Bị cáo không muốn xin điều gì cả”. Trước đó vợ chồng ông Nam (với tư cách là đại diện theo pháp luật của người bị hại) tha thiết xin hội đồng xét xử “tha” cho con rể, “để nó được sớm trở về nuôi con, thay cho trách nhiệm của vợ”. Không gian phòng xét xử ngổn ngang những trạng thái cảm xúc. Và những nỗi đau như lan rộng ra.

Phạm Thùy Chi