Thực ra câu chuyện cây sắn đến thời kỳ thu hoạch không bán được hoặc bị ép giá, nhất là gặp thời điểm lũ lụt người dân thu hoạch ồ ạt  không phải xảy ra lần đầu. Trước đây, không ít lần lãnh đạo tỉnh phải vào cuộc chỉ đạo các bên liên quan để xử lý tình huống, gỡ khó cho nông dân. Lật tìm nguyên nhân, trước hết do sự phát triển thiếu bền vững, chạy theo phong trào của người nông dân, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, thậm chí phá vỡ quy hoạch. Chẳng hạn như diện tích sắn bị ngập lụt ở Hương Trà, đều nằm ở vùng trũng, được các cơ quan chức năng khuyến cáo không nên trồng bởi nguy cơ thiệt hại do ngập lụt.

Một nguyên nhân khác, khi phát triển ồ ạt, cung vượt cầu, giá sản phẩm giảm theo khiến người nuôi trồng lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong khí đó, nông dân mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trót đâm lao phải theo lao và càng theo lao càng lâm vào vòng thất bát, nợ nần. Đó là chưa kể cái giá phải trả khi quy hoạch bị phá vỡ, môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập. Chuyện con tôm trên cát là một ví dụ điển hình. Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại và thiệt hại nặng nhất vẫn là người nuôi tôm. 

Tại lễ công bố “Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016, Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: tăng giá trị, giảm đầu vào” tại Hà Nội sáng 27/9 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp Việt Nam, từ nước nhập khẩu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã xuất hiện trên nhiều thị trường quốc tế. Tuy nhiên WB cũng cho rằng, chất lượng nông nghiệp còn thấp, thể hiện qua một số hiện tượng như tỷ suất lợi nhuận của nông dân sản xuất nhỏ còn thấp, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm còn thấp, trình độ sáng tạo công nghệ và thể chế còn non yếu... Tổng Giám đốc WB tại Việt Nam cũng nhận định: Ngành nông nghiệp Việt Nam tạo ra sản phẩm nhưng cũng kèm theo một cái giá phải trả về môi trường. Đã đến lúc không thể làm theo cách cũ được nữa…

Bài toán đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam nói chung và từng địa phương trong thời gian tới, cần quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, phát huy lợi thế của từng địa phương để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, tăng trưởng nông nghiệp cần phải dựa vào các yếu tố như tăng trưởng xanh, dựa vào khoa học công nghệ, sinh hóa. Để làm được điều này, ngoài vai trò của chính phủ và các bộ ngành liên quan trong việc xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển cho từng ngành, từng vùng thì bản thân các nông hộ cũng mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trong đó, cần mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tăng cường mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, chế biến để chủ động trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm…

Hoàng Giang