Hai ngày sau khi Bộ công bố phương án thi, giáo viên các trường đã hướng dẫn dạy học môn toán theo hướng thi trắc nghiệm
Đề thi trắc nghiệm liệu cứ chọn bừa cũng “ăn” điểm hay không?... Đây là những vấn đề được quan tâm trong kỳ thi tới.
Thi 3 môn liên tục có phản khoa học ?
Ông Nguyễn Văn Tấn, Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Thánh Tông (Quảng Nam), chia sẻ băn khoăn: “Chúng tôi cũng chưa rõ cơ cấu đề thi của bài thi tổng hợp ra sao, nếu 150 câu của cả 3 môn trong một bài thi thì sẽ khác mà từng môn thi sẽ khác. Ví dụ, nếu hết một môn lại thu bài và phát đề của môn tiếp theo thì Bộ GD-ĐT phải tính thật kỹ về tính khoa học và đảm bảo thời gian làm bài thực có của mỗi môn thi. Giám thị phát đề mỗi môn cũng phải mất khoảng 15 phút, hết giờ một môn lại nộp bài, thì khâu thu bài cũng rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Nếu gộp cả khâu phát đề, thu bài mỗi môn như vậy thì 150 phút cho 120 câu hỏi của 3 môn làm sao đủ thời gian thí sinh (TS) làm bài vì tối thiểu từ xưa tới nay thi một môn cũng phải là 60 phút?”.
Ông Tấn đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải có hướng dẫn sớm để các trường còn thử nghiệm áp dụng cho học sinh (HS) lớp 12 trong các kỳ kiểm tra, tập dượt ở trường. Ông cũng lo lắng về áp lực đối với TS khi làm bài phải làm liền một lúc cả 3 môn thi. “Nếu là bài thi tích hợp sẽ khác còn khi chúng ta chỉ ghép cơ học 3 môn vào một bài thi thì áp lực sẽ lớn hơn rất nhiều lần. Về mặt khoa học, việc thi liền một lúc cả 3 môn là bất lợi cho tâm lý và sức khỏe của TS. HS mà có học lực bình thường, sức khỏe không tốt lắm, thi xong 3 môn cũng ngất xỉu luôn”, ông Tấn nói.
Ông Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng THPT chuyên Lào Cai, cũng cho rằng Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về thời gian, cách thức làm bài thi tổ hợp. Với tính chất của kỳ thi THPT, nhiều loại HS khác nhau mà áp lực làm bài liên tục sẽ không tránh được căng thẳng đối với một bộ phận HS có học lực trung bình trở xuống”.
Có chọn bừa vẫn đúng ?
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, các trường đều quan tâm đặc biệt đến cách ra đề thi trắc nghiệm. Ông Hoàng Văn Phú, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng chỉ có những câu hỏi trắc nghiệm không đạt yêu cầu mới giúp TS dùng “mẹo làm trắc nghiệm” để tìm câu trả lời đúng. Nếu khâu ra đề thực hiện tốt thì chúng ta sẽ ngăn chặn được tiêu cực nói trên. “Đề thi cần được thiết kế trên cơ sở ma trận đề thi và người ra đề cần phải kiểm soát được các con đường tìm ra câu trả lời đúng”, ông Phú đề nghị.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, đề nghị: “Trong đề thi, các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phân hóa phải được nghiên cứu sao cho hợp lý, làm sao đánh giá TS được khách quan nhất, đảm bảo mục tiêu của các bộ môn, mục tiêu xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ”.
Cần điều động giảng viên ĐH tham gia coi thi
Trả lời tại cuộc họp báo công bố phương án thi 2017, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ lập các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Tuy nhiên, đại diện một số sở GD-ĐT đề nghị vẫn cần tăng cường sự giám sát mang tính hữu hình.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, đề nghị Bộ GD-ĐT phải tăng cường công tác bảo mật đề thi. Vì kỳ thi trải trên diện rộng khắp các vùng miền của cả nước; có vùng thuận lợi, có vùng khó khăn, điều kiện bảo mật, in sao, vận chuyển đề thi cũng khác nhau… Do vậy, Bộ phải có những giải pháp tăng cường, siết chặt công tác an toàn cho kỳ thi, đảm bảo tính khách quan, tạo được lòng tin của nhân dân vào kỳ thi, làm thước đo trung thực chất lượng giáo dục phổ thông và làm cơ sở tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào. Ông Hùng còn đề xuất Bộ vẫn nên duy trì, điều động lực lượng cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ tham gia coi thi như năm ngoái.
Theo Thanh niên