Nhân viên y tế kiểm tra việc lắp đặt một thiết bị chống muỗi, ruồi và côn trùng ở lối vào của một ngôi nhà. Ảnh: WHO

"Nhiễm virus Zika là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của một người phụ nữ mang thai và cả thai nhi. Các quốc gia trong khu vực phải tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với sự lan truyền virus Zika", Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

Cơ quan này cho rằng, các trường hợp được xác nhận mắc chứng đầu nhỏ liên quan đến Zika ở Thái Lan, cùng với các rối loạn thần kinh khác, có thể xảy ra khi trẻ sơ sinh tiếp xúc với virus Zika trong tử cung.

Sự hiện diện của virus Zika trong khu vực Đông Nam Á đã được báo cáo trong những năm gần đây, bao gồm cả ở Bangladesh, Indonesia, Maldives và Thái Lan.

Kể từ khi ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về Zika hồi tháng 2 vừa qua, WHO đã làm việc với các nước trong khu vực để tăng cường các hoạt động ngăn chặn Zika và giám sát các ca sinh mắc tật đầu nhỏ; đẩy mạnh việc giám sát và kiểm soát véc tơ muỗi truyền; mở rộng quy mô công suất phòng thí nghiệm; và gia tăng việc truyền thông về nguy cơ, lôi kéo sự tham gia của cộng đồng. Tất cả các quốc gia hiện nay đều có phòng thí nghiệm có khả năng tiến hành kiểm tra virus Zika, cũng như để đánh giá và xác định các trường hợp đầu nhỏ, cơ quan này cho biết.

Ngoài các nỗ lực chính thức, WHO cũng đã đôn đốc các hộ gia đình và các nhóm cộng đồng trở thành tuyến đầu trong việc kiểm soát muỗi.

"Kiểm soát các quần thể muỗi là việc rất quan trọng để giảm bớt sự lan truyền của virus Zika, cũng như lây lan các loại bệnh khác như sốt xuất huyết và chikungunya. Cùng với những nỗ lực của chính phủ, các hộ gia đình được khuyến khích dẹp bỏ các vũng nước tù đọng có thể đọng lại trong các máng nước, các thùng lốp không sử dụng và xử lý rác thải sinh hoạt trong các túi nhựa kín", Tiến sĩ Khetrapal Singh nói.

WHO cũng kêu gọi phụ nữ mang thai cũng như tất cả mọi người có biện pháp phòng ngừa để hạn chế tiếp xúc với muỗi, như mặc trang phục dài tay, quần áo sáng màu; sử dụng thuốc đuổi muỗi; ngủ trong mùng; và lắp màn chắn ở cửa sổ và cửa ra vào ở bất cứ nơi nào có thể.

Hiện WHO không khuyến cáo hạn chế thương mại hay du lịch với các nước, khu vực và/hoặc vùng lãnh thổ có virus Zika. Khách du lịch đến các vùng có đợt bùng phát virus Zika nên tìm cập nhật các tư vấn về rủi ro tiềm tàng và các biện pháp thích hợp để giảm khả năng tiếp xúc với muỗi đốt và lây truyền Zika qua đường tình dục.

Phế lốp xe ô tô là khu vực sinh sản màu mỡ cho muỗi Aedes aegypti truyền virus Zika. Ảnh: PAHO

Đồng thời, WHO nhấn mạnh rằng phụ nữ mang thai không nên đi du lịch đến các vùng có ổ dịch virus Zika đang bùng phát. Đối tác tình dục của phụ nữ mang thai sống hoặc trở về từ vùng có dịch Zika nên đảm bảo an toàn tình dục hoặc tránh quan hệ trong thời gian họ mang thai.

Hồi đầu tháng này, WHO cho rằng, bệnh dịch này - liên quan đến dị tật bẩm sinh và các rối loạn thần kinh khác, tiếp tục là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do tiếp tục mở rộng về quy mô địa lý và vẫn tồn tại những khoảng trống đáng kể trong nhận thức về virus và Zika và hậu quả của nó.

Tố Quyên (Lược dịch từ UN & Newsjs)