Người dân Thái Lan biểu tình kêu gọi chính quyền tôn trọng quyền sở hữu đất. Ảnh: Reuters

Phía cảnh sát và một số tổ chức cho biết, đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ tháng 5/ 2014 - thời điểm diễn ra cuộc đảo chính.

Sự phát triển ở Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á, gây ra một số tổn thất cho các cộng đồng địa phương - những người thường xuyên phải đối mặt với các mối đe dọa, bạo lực và quấy nhiễu tư pháp, các nhóm nhân quyền lên tiếng cảnh báo.

Những người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở khu vực châu Á để kỷ niệm ngày Cư ngụ Thế giới hôm nay (3/10) cho biết, họ sẽ trao một bản kiến ​​nghị cho LHQ và sau đó kéo đến tòa nhà chính phủ để yêu cầu cải cách ruộng đất.

"Chúng tôi đến hôm nay nhằm kêu gọi chính phủ có thể giải quyết các vấn đề về đất đai và quyền sử dụng đất của người nghèo trong cả nước," ông Somneuk Phootnuan, 60 tuổi, một nông dân cao su từ tỉnh phía nam của Nakhon Si Thammarat nói.

Theo lời ông Sompong Chingduang, một sĩ quan cảnh sát tại địa điểm biểu tình, có khoảng 1.000 người đã tụ tập vào giữa buổi sáng. Biểu tình chính trị đã bị cấm từ khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền, kết thúc cuộc biểu tình đường phố kéo dài nhiều tháng, đôi khi biến thành bạo lực, nhưng các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình này cho biết việc họ xuống đường hôm nay không phải vì mục đích chính trị.

Ngày Cư ngụ Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 như một cách để nhắc nhở thế giới về quyền được trú ẩn đầy đủ của người dân.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & CNA)