Theo định nghĩa của sách Đại từ điển tiếng Việt (Nhà XB Văn hoá- Thông tin) thì quy hoạch được hiểu là bố trí, sắp xếp kế hoạch dài hạn. Điều đó có nghĩa, tuy chỉ là định hướng nhưng quy hoạch có liên quan tới kế hoạch và dù định hướng nhưng cũng phải có thời gian cố định. Bởi vậy, quy hoạch mà không có kế hoạch thực hiện có thể xem là… của để dành. Đó cũng có thể được xem là nạn đầu cơ, đầu cơ mua đất, đợi đất lên giá bán làm giàu.

Phổ biến hiện nay có 3 dạng quy hoạch và dự án “treo” chính. Thứ nhất, địa phương công bố quy hoạch một khu đất để xây dựng công trình, dự án nhưng sau đó không làm gì để thực hiện quy hoạch. Thứ hai, đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng việc thu hồi không dứt điểm, kéo dài từ năm này sang năm khác, có khi chỉ vướng một vài thửa, trong khi nhà đầu tư mỏi mắt chờ giao đất. Thứ ba, đất đã giao nhưng chủ đầu tư không đầu tư gì hoặc đầu tư một ít rồi bỏ đó.

Con số thống kê trên 250 ngàn ha đất trong cả nước do bị quy hoạch “treo’ không sử dụng trở thành hoang hoá là một sự lãng phí ghê gớm. Trong khi đó, việc có đến 3.300 cơ quan sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê và chuyển nhượng trái phép hơn 2.500 ha lại cho thấy có sự nhập nhằng và tình trạng buông lỏng trong quản lý hiện nay. Đã đến lúc cần nói lời tuyên chiến với vấn nạn này. 

Kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê nhưng không sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc sai mục đích là biện pháp “sửa sai” cần thiết. Đồng thời với kiểm tra thường xuyên là việc thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết, việc công bố công khai quy hoạch đã được xét duyệt là cách phòng tránh và xử lý điểm tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”.

Đan Duy