Điều kiện kinh tế ở Iran đang được cải thiện đáng kể. Ảnh: AP

Theo báo cáo, "GDP thực tế của Iran đã hồi phục mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay khi các biện pháp trừng phạt sau khi thực hiện JCPOA dần được nới lỏng. Sản lượng dầu và xuất khẩu tăng trở lại một cách nhanh chóng đạt đến mức như trước khi xử phạt, giúp làm giảm tác động của việc giá dầu thế giới suy giảm. Bên cạnh đó, sự gia tăng các hoạt động trong nông nghiệp, sản xuất tự động, thương mại và dịch vụ vận tải đã dẫn đến việc phục hồi tăng trưởng trong các lĩnh vực phi dầu mỏ ".

Ngoài ra, báo cáo cũng nhận định thêm rằng, GDP của Iran dự kiến ​​sẽ tăng trưởng ít nhất 4,5% trong giai đoạn 2016-2017, và rằng các chính sách tiền tệ và tài khóa đã được thông qua trong những năm gần đây, cùng với giá lương thực quốc tế thuận lợi đã làm giảm tỷ lệ lạm phát trong nước.

Mặt khác, báo cáo cũng lưu ý rằng, Ngân hàng Trung ương Iran trong năm qua đã thực hiện được một số biện pháp quan trọng nhằm mục đích cơ cấu lại và đưa các tổ chức tài chính không có giấy phép (UFIs) đi vào quy định. Theo đó, báo cáo nhấn mạnh rằng động thái như vậy giúp giải quyết một trong các nguyên nhân quan trọng gây ra sự bất ổn tài chính.

Báo cáo trên được phát hành vào hôm qua (3/10) và được biên soạn từ kết quả sơ bộ trong chuyến thăm chính thức của các cán bộ IMF tới Iran. Bản báo cáo bày tỏ quan điểm của các thành viên IMF và có thể không phản ánh quan điểm của ban chủ tịch, PressTV nêu rõ.

Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA, được ký kết giữa Iran và Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Hoa Kỳ hồi tháng 7/2015, giới hạn quy mô chương trình hạt nhân của ​​Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt liên quan đến hạt nhân áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Bảo Nghi (Lược dịch từ PressTV & Irandaily)