Ước tính hiện có khoảng 1 triệu người Afghanistan không có giấy tờ đang ở Pakistan. Ảnh: INP

Làn sóng những người tị nạn trở về đất nước bị chiến tranh tàn phá này diễn ra sau khi Pakistan siết chặt việc kiểm soát biên giới đất nước hồi tháng 6 và bắt đầu trừng phạt thẳng tay những người Afghanistan không có giấy tờ.

Phần lớn - hơn 185.000 người - đã trở về sau tháng 7, với gần 98.000 người vượt qua biên giới chỉ tính riêng trong tháng 9, phát ngôn viên của UNHCR Qaisar Khan Afridi tiết lộ với AFP.

"Từ tháng 1/2016 đến nay, số lượng người tị nạn tự nguyện hồi hương về Afghanistan đã vượt qua con số 200.000", ông Afridi cho biết.

Càng ngày, số người hồi hương càng tăng lên. Các quan chức nói rằng, chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10 này, đã có đến 5.000 người trở về mỗi ngày.

Theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày hôm qua (4/10), Pakistan hiện là nơi trú ẩn của 1,6 triệu người tị nạn, trở thành nước lưu trữ người tị nạn lớn 3 trên thế giới.

UNHCR ước tính rằng, hiện có khoảng hơn 1 triệu người tị nạn không có giấy tờ đang ở Pakistan.

Các quan chức Pakistan cho biết sự gia tăng hiễn ra sau khi nước này tuyên bố sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới, đặc biệt là ở phía cổng Torkham.

Tuy nhiên UNHCR trích dẫn một loạt các lý do khác có thể đẩy cao làn sóng người tị nạn quay trở lại Afghanistan, bao gồm tình trạng gia tăng lo lắng và bất an của những người tị nạn về cuộc sống ở Pakistan.

Các yếu tố khác có thể kể đến bao gồm quyết định của UNHCR - tăng gấp đôi mức tài trợ tiền mặt cho người hồi hương tự nguyện từ 200 USD lên 400 USD cho mỗi cá nhân trong tháng 6/2016, và một chiến dịch của chính phủ Afghanistan nhằm thu hút người dân trở về với khẩu hiệu "Đất nước tôi, đất nước xinh đẹp của tôi".

Tuy nhiên tại Afghanistan - quốc gia bị tàn phá nghiêm trọng bởi hơn 3 thập kỷ xung đột, chính quyền cảnh báo số lượng người di tản đã vượt qua khả năng đối phó của các cơ quan chính phủ và các tổ chức viện trợ.

Trong khi đó, EU hôm 3/10 cho biết vừa ký kết một thỏa thuận tạm thời với Afghanistan để nhận lại người di cư, trước một hội nghị ở Brussels nhằm đảm bảo các khoản viện trợ tài chính quốc tế cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Tuy nhiên, các quan chức Liên minh châu Âu đã phủ nhận việc cam kết viện trợ phụ thuộc vào việc chính phủ Kabul chấp nhận sự trở lại của hàng chục ngàn người Afghanistan từ một châu Âu đang quá căng thẳng.

Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & Asiaone)