Nhận lời hẹn tham gia cà phê của đám bạn cũ, tôi cảm thấy lạc lõng, tẻ nhạt khi ai cũng dán mắt vào smartphone, chăm chú với thế giới riêng của mình. Người chơi game, người thì mải mê với trang mạng xã hội. Giờ giải lao của buổi học, thay vì chuyện trò, mọi người lại thu mình vào một góc riêng với chiếc smartphone trên tay. Vào căng tin cũng chừng ấy con người vừa ăn vừa bấm điện thoại, miệng vẫn trò chuyện nhưng mắt không dứt ra khỏi màn hình.

Khi phát minh ra điện thoại, con người muốn xóa bỏ khoảng cách địa lý và kéo mọi người xích lại gần nhau hơn. Giờ đây điện thoại lại có vẻ làm tốt chức năng cách ly mọi người với xã hội. Khi hỏi một người bạn, tại sao lại thích bấm điện thoại như vậy, tôi nhận được câu trả lời: “Dùng điện thoại có thể cập nhập tin tức của thế giới xung quanh và có thể chơi game mọi lúc”. Tiến, cậu bạn thân cùng lớp luôn trầm lặng, không thích tụ tập bia rượu, cũng chẳng đam mê cờ bạc cho rằng, thấy mình khó hòa hợp với những người xung quanh, chỉ khi thả mình cùng smartphone mới thực sự thoải mái. Một bạn nữ khác lại lý giải, sở dĩ thích bấm điện thoại là vì thích cập nhập mạng xã hội. Mỗi lần đi ăn cùng đám bạn chúng tôi, việc đầu tiên cô ấy luôn làm là chụp hình đăng Facebook như một “thủ tục” không thể bỏ qua.

Nhìn nhận smartphone như một con dao hai lưỡi là điều cần cảnh báo không chỉ với trẻ nhỏ, tuổi teen mà ngay cả với người lớn. Nói như vậy vì chiếc di động không chỉ đơn thuần là công cụ liên lạc như cái tên nguyên thủy của nó. Giờ đây, chiếc di động thông minh là một chiếc máy nhắn tin, điện đàm khi bạn cần liên lạc, máy nghe nhạc khi bạn cần một giai điệu bên tai, máy chơi game khi bạn cần giải trí, chiếc đồng hồ khi bạn cần biết thời gian, một tờ báo khi bạn cần đọc tin tức, một chiếc máy ảnh khi bạn cần ghi lại những khoảnh khắc quan trọng… nói chung là rất nhiều thứ trong một. Smartphone có thể đáp ứng mọi nhu cầu công việc giải trí học tập của bạn, nó được nhắc đến như một chiếc máy toàn năng, và cũng vì tính toàn năng như thế nên có thể khiến bạn lệ thuộc vào nó suốt ngày.

Công nghệ tưởng chừng giải phóng con người, giúp kết nối cộng đồng lại trở thành thứ khiến nhiều người trở nên phụ thuộc vào các món đồ công nghệ. Nếu nhận thấy việc sử dụng điện thoại vượt quá giới hạn thông thường, bạn nên dừng lại để nghĩ cách thoát ra. Thay vì dán mắt vào màn hình, hãy tham gia thật nhiều hoạt động, tạo mối quan hệ và hướng cho mình một mục tiêu cụ thể trong cuộc sống.

Minh Nguyên