Với người hâm mộ thể thao Việt Nam, kết quả này là một điều đáng tự hào bởi không phải dễ để vượt qua 2.500 VĐV đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á tham gia tranh tài tại ABG 2016. Nhưng liệu thành tích này phải chăng là sức mạnh thật sự của thể thao Việt Nam ?

Toàn cảnh Lễ bế mạc ABG 5. Ảnh: Internet

Trong số các đoàn VĐV tham gia, có không ít quốc gia, vùng lãnh thổ đang là “thế lực” của thể thao châu Á , và thậm chí vươn tầm thế giới. Trong khi đó, ngoại trừ tấm HCV lịch sử môn bắn súng tại Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, chúng ta phải thừa nhận rằng, thể thao Việt Nam vẫn chưa thể hiện được sức mạnh tuyệt đối ở “ao làng” SEA Games, chứ đừng nói đến sân chơi ASIAD hay Olympic.

Vậy tại sao tại ABG 5 - 2016, thể thao nước nhà lại có bước tiến xuất thần đến vậy khi vượt qua hàng loạt quốc gia tên tuổi ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… ? Có thể thể thao bãi biển khác hẳn thể thao mà ta thường thấy, thường nghe và thường chứng kiến, vậy nên chuyện Việt Nam vượt qua các “ông lớn” cũng chẳng có gì bất thường. Nhưng ở góc độ khác, nên nhớ rằng những nước nói trên có hệ thống biển – nền tảng để phát triển thể thao bãi biển – còn dày đặc hơn Việt Nam và mức đầu tư – chắc chắn – cũng chuyên nghiệp và hoành tráng hơn.

Phải chăng là Việt Nam đã “chơi chiêu” để giành ngôi vị cao nhất, bởi chuyện trọng tài “nới tay” với VĐV chủ nhà tại nhiều Đại hội khác không phải là chuyện lạ. Nhưng cá nhân người viết không nghĩ vậy, mà mấu chốt là ở việc phân bổ lực lượng VĐV.

Là tư cách chủ nhà, Việt Nam phải chuẩn bị tốt nhất có thể trên mọi phương diện (mà ở những mặt khác, chúng ta đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao) để tham gia ABG 5-2016. Và hẳn nhiên, lực lượng VĐV là phần rất quan trọng trong sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo ấy.

Nhưng trong khi chúng ta quy tụ những gương mặt có thể nói là xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam hiện nay như: Văn Ngọc Tú (judo), Lê Trọng Hinh, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Lâm Quang Nhật, Hoàng Quý Phước (bơi lội)… thì các nước bạn, VĐV tham dự lại chẳng mấy tên tuổi thật sự ở làng thể thao khu vực và châu Á. Đó còn chưa kể, “hình như” đa phần VĐV các nước tham ABG lần này đều là VĐV trẻ, họ tham dự chủ yếu là để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Và điều này như để giải thích cho việc thể thao Việt Nam với nhiều gương mặt gạo cội giành đến 139 huy chương các loại, bỏ xa các đội xếp sau như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.. từ 49 huy chương (Thái Lan) đến 119 huy chương (Nhật Bản) trên bảng tổng sắp.

Là một người Việt Nam, người viết luôn tự hào khi được nghe Quốc ca Việt Nam vang vọng ở ABG 5-2016 và những đấu trường, sân chơi khác. Với những người làm thể thao, người viết cũng tin và hiểu rằng, ai cũng muốn “quân mình” đứng trên đỉnh vinh quang, nhất là khi thi đấu trên sân nhà. Vậy nên, chẳng có gì phải trách khi thể thao Việt Nam “bung” nhiều VĐV “thiện chiến” tại Đại hội lần này. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, ngôi vị nhất toàn đoàn tại ABG 5 - 2016 không phải là sức mạnh thật sự của thể thao nước nhà. Và, sẽ rất nguy hiểm nếu cứ mãi bay bổng bằng đôi cánh của niềm kiêu hãnh khi mà ở đấu trường ASIAD, Olympic hay thậm chí cả SEA Games, người hâm mộ thể thao Việt Nam vẫn chưa thật sự thấy thỏa lòng.

VÕ NHÂN