Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối, nhiều quán cà phê tràn ngập người. Quan sát kỹ, thấy họ nói với nhau những điều gì đó. Nhưng cũng có khi họ im lặng, họ tìm kiếm một điều gì đó trong điện thoại thông minh. Đó mới chỉ nói đến quán cà phê. Còn nhiều loại hàng quán nữa. Thường là rất đông, từ bình dân đến sang sang một tí.

Dịch vụ phát triển, thấy thành phố sinh động hẳn lên. Dịch vụ phát triển, bản thân nó tự sắp xếp thành phố, thành phường kinh doanh buôn bán. Đường này kinh doanh dày dép, áo quần. Đường kia là phố cà phê. Đường nọ là hàng quán ăn uống đủ kiểu. Phố nọ là nhà hàng, giải trí karaoke… Câu nói của cha ông ta xưa: “Buôn có bạn, bán có phường” quả không sai. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, đây chính là sự liên kết và tiện ích.

Không phải là không có, nhưng rất ít nền kinh tế dựa vào dịch vụ để trở nên giàu có. Phần lớn phải dựa vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Và nếu làm dịch vụ cũng phải là dịch vụ mở rộng, toàn cầu chứ không phải dịch vụ nội tỉnh, nội huyện, nội xã, nội vùng. Nghĩa là không phải dịch vụ “buôn thúng bán mẹt, cò con nhỏ lẻ”.

Trở lại vấn đề thành phố nhàn rỗi. Thành phố chúng ta nhàn rỗi thiệt. Lúc nào hàng quán cũng đông người. Điều này bằng mắt thường quan sát thấy chứ không phải có một con số thống kê mang tính khoa học. Có người bảo vì thành phố du lịch nên nó vậy! Có người nói vì thành phố là trung tâm giáo dục, tập trung đông sinh viên nên nó vậy… Rất có thể những yếu tố này làm cho thành phố trở nên nhàn rỗi hơn. Nhưng nếu đặt những câu hỏi, chẳng hạn như thế này, chúng ta ít nhất sẽ nhận ra vài vấn đề: “Nếu bạn là du khách, bạn đến đây nên tranh thủ đi tham quan khám phá hay ngồi cà phê cả buổi?”.

Thành phố trở nên nhàn rỗi là thành phố do chính những người dân sở tại tạo nên. Đó là thành phố ít công ăn việc làm. Sức lao động trở nên thừa thãi. Điều này không sai. Chúng ta không thể hình dung một giờ lao động ở một quán cà phê, quán ăn nào đó, người lao động chỉ được trả chừng tám ngàn đồng (theo thời giá hiện tại), nhưng điều đấy là một thực tế.

Sức lao động thực ra là một nguồn lực, một dạng vốn. Nguồn vốn này đã bị lãng phí một cách ghê gớm.

Hàng quán cà phê đông chưa hẳn là mừng. Không phải người dân đã trở nên khá giả nên thảnh thơi hưởng thụ mà rất có thể là thiếu công ăn việc làm, hoặc là lười biếng không muốn làm!?

Ở tầm mức quốc gia, nhiều chuyên gia dự báo dân số của Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Nghĩa là cơ cấu dân số ở độ tuổi lao động cao. Đây chính là thời kỳ làm ra của cải vật chất để chuẩn bị cho thời kỳ dân số già hóa. Một thành phố mà quán cà phê khi nào cũng đông đặc người trẻ, thì khó có thể tạo ra một của cải vật chất nhiều cho xã hội.

Một thành phố nhàn rỗi là một thành phố thong dong, có thể không khổ nhưng khó giàu. Mà đôi khi ở thời buổi này, văn minh đi cùng với giàu có.

LÊ PHƯƠNG